 |
Trần Thanh Nga (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Sinh trưởng trong một gia đình trí thức, bố Nga là TS. Trần Văn Luyện, cán bộ C28 - Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, ngay từ thời thơ ấu cô bé Nga và chị gái Thu Hằng đã được bố mẹ rèn luyện cho tính tự lập, biết tiết kiệm và yêu thương giúp đỡ mọi người trong học tập và trong cuộc sống. Từ kinh nghiệm của mình, anh chị hướng dẫn con cách học đúng và đầu tư cho hai chị em môn tiếng Anh ngay từ năm lớp 1. Nhờ vậy tới năm học lớp 11 tại trường Lômônôxôp, Trần Thanh Nga đã nói tiếng Anh trôi chảy và có khả năng diễn thuyết trước đám đông. Rất tự tin, Nga đăng kí tham gia chương trình giao lưu văn hoá CCI (Center of Cultral Interchange) đạt thành tích tốt, nên được học bổng và sang học lớp 12 tại bang Oregon (Hoa Kỳ). Đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Trần Thanh Nga.
Kết thúc năm học, Nga đạt bảng điểm 4.0 (điểm cao nhất theo chuẩn của Mỹ) cùng giải nhất toàn bang và nhận giấy gọi nhập học của 5 trường đại học (ĐH) là: Bucknell University, University of Maryland – College Park, Pacfic Lutheran University, College of Idaho và Union College, với những suất học bổng toàn phần và Nga quyết định học tại Union College và em là người Việt Nam thứ 3 được vào học. Những trường đại học đó đều rất tốt, nhưng Nga chọn Union College bởi đây là một trường ĐH danh tiếng nằm tại bang New York, đã đào tạo ra 2 tổng thống Mỹ cùng nhiều nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, nhiều thượng nghĩ sĩ và nhiều nhà khoa học đạt giải thưởng Nobel. Với điểm khoa kinh tế được xếp thứ hạng cao, Nga hy vọng vào Union em sẽ có được một môi trường học tập tốt để sau này cống hiến cho đất nước như nhiều người đã tốt nghiệp từ đây. Hơn thế, Washington DC là thủ đô của nước Mỹ nhưng có lẽ thủ đô của thế giới lại chính là New York. Em cũng thích được học tập tại đây.
Ngoài khó khăn trong hoc tập, cũng như bao du học sinh khác Trần Thanh Nga cũng gặp phải những khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là việc kết bạn. Người Mỹ dễ gần nhưng khó thân. Để hòa đồng trong một tập thể, một cô gái châu Á chưa đi xa bao giờ lại sống tự lập như em, tất nhiên đã phải cố gắng rất nhiều. Để xây dựng những tình bạn bền lâu, ngoài giờ lên lớp, Thanh Nga tham gia rất nhiều hoạt động thể thao, đi câu lạc bộ vừa mang lại kiến thức, sức khỏe cho bản thân vừa có thể giao lưu cùng bạn bè dần dần thắt chặt tình bạn. Nga trọ học ở một gia đình và họ luôn giúp em hòa nhập tốt nhất. Ngược lại, em cũng luôn luôn cố gắng đem văn hóa của mình giao lưu cùng họ.
Theo Trần Thanh Nga, có được những thành công bước đầu như hôm nay là nhờ sự định hướng, tình yêu thương chăm sóc, sẻ chia của bố, mẹ và chị. Bố mẹ Nga rất nghiêm khắc, nhưng lại là những người tuyệt vời nhất đã tạo mọi điều kiện cho em học tập tốt.
Bạch Dương