Dân số gia tăng…
Dự báo dân số thế giới tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn năm 2013 - 2050 lên 9,6 triệu người, chủ yếu tại Châu Phi. Đáng chú ý một nửa dân số tăng trong giai đoạn năm 2013 - 2100 tập trung tại 8
nước gồm Nigeria, Ấn Độ, Tanzania, Cộng hòa dân chủ Congo, Niger, Uganda, Ethiopia, và Mỹ.
Chào đón công dân thứ 7 tỉ, loài người cũng đang đối mặt với những thách thức như nghèo đói, bệnh tật, thiếu nước sạch và môi trường bị tàn phá.
Các chuyên gia của Hội đồng Kinh tế & Xã hội (ECOSOC) dự đoán đến năm 2028, Ấn Độ sẽ đuổi kịp Trung Quốc về quy mô
dân số với số dân ước đoán sẽ lên tới 1,45 tỷ người ở mỗi nước. Tuy nhiên sau thời điểm này, các nghiên cứu khác của Liên Hợp quốc (LHQ) cho thấy Ấn Độ được dự báo vượt qua Trung Quốc để chiếm vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2028.
Trong những thập niên tới, dân số Ấn Độ sẽ tăng lên mức 1,6 tỷ người và giảm nhẹ xuống còn 1,5 tỷ người vào năm 2100. Dân số Trung Quốc được dự báo bắt đầu giảm sau năm 2030 và đạt 1,1 tỷ người tới năm 2100.
ECOSOC nhận định nguyên nhân khiến
dân số thế giới tiếp tục tăng chủ yếu do tỷ lệ sinh đẻ cao tại các nước đang phát triển và tuổi thọ bình quân tăng lên tại hầu hết các nước.
Theo số liệu thống kê chính thức của ECOSOC, hiện có khoảng 48% dân số thế giới đang sống tại các nước có tỷ lệ sinh đẻ thấp, gồm các nước Châu Âu (trừ Iceland), 19 nước Châu Á, 17 nước châu Mỹ và một nước ở Châu Đại Dương.
Những nước đông dân số nhưng lại có tỷ lệ sinh đẻ thấp sẽ là nhân tố giúp kìm hãm đáng kể tốc độ tăng dân số toàn cầu. Ngược lại, Afghanistan, Timor Leste và những nước ở Châu Phi sẽ là nơi gia tăng dân số mạnh do có tỷ lệ sinh đẻ cao.
… và áp lực môi trường
Hiện nay dân số trên trái đất đã qua mốc 7 tỷ người và ngày càng gia tăng. Điều này sẽ gây áp lực tới nguồn nhiên liệu, tài nguyên, sự phát triển trên toàn hành tinh.
Bùng nổ dân số không chỉ tạo nên áp lực đối với nguồn tài nguyên mà còn là khâu liên kết dẫn tới các quá trình khai thác làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn tài nguyên đó. Quan điểm về mối quan hệ tương hỗ giữa dân số và điều kiện môi trường là mối quan hệ phức tạp, đa dạng và chứa đựng nhiều biến số.
Môi trường là vấn đề quan trọng có tính quyết định trong sự phát triển và tiến hoá của nhân loại.
Trong mối quan hệ biện chứng giữa dân số và sự phát triển, không thể tách rời vấn đề môi trường. Dân số tăng, kinh tế phát triển làm tăng mức sống, đồng thời làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái môi trường, mất đất đai, mất rừng, sa mạc hoá là hậu quả của gia tăng dân số.
Bản báo cáo của Liên Hợp quốc cảnh báo, từ nay đến năm 2030, các nguồn nước hiện có chỉ có thể đáp ứng được 40% nhu cầu của nhân loại. Khoảng 1,6 tỷ người đang sống ở những vùng khan hiếm nước, nhưng con số này sẽ nhanh chóng lên tới 2 tỷ nếu thế giới tiếp tục cách thức sử dụng nước như hiện nay.
Nguy cơ đói nghèo, an ninh năng lượng và những bất đồng có nguyên nhân sâu xa từ vấn đề nước. Đói nghèo càng trở nên tồi tệ khi người nghèo thiếu nước. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi tình trạng
ô nhiễm trên các ao hồ, sông suối, vùng ven bờ... đã hủy hoại hệ sinh thái gây ra nhiều tổn hại.
“Cứ 10 giây lại có một trẻ em chết vì đói” là thông điệp mà các tổ chức từ thiện muốn nhắn gửi tới giới lãnh đạo G8 tại Hội nghị G8 - 2013.
Gia tăng dân số cơ học tạo ra các nguồn rác thải lớn, đồng thời gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước, nhất là tại khu vực đô thị và các làng nghề. Phá rừng là một trong những nguyên nhân gây ra nạn ô nhiễm môi sinh, mất cân bằng sinh thái, dẫn đến sự biến đổi khí hậu thất thường, bão lụt, lũ quét, lở đất và phát sinh nhiều loại dịch bệnh.
(Còn nữa)
theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN/TH