Phần 1: Những vấn đề chung về phê bình văn học
1.1 Sự xuất hiện của phê bình văn học
Cùng với lịch sử văn học, lý luận văn học, phê bình văn học là một bộ phận của khoa nghiên cứu văn học. Nó có đối tượng, phương pháp, thao tác riêng. Nó là sự phán đoán, phẩm bình, đánh giá, giải thích đối với tác phẩm văn học và người sáng tác. Nó xuất hiện từ thời trung đại qua các hình thức ban đầu như lời tựa, lời bạt, lời giới thiệu các văn thi phẩm. Đến thời hiện đại, Phan Khôi là một trong những người khởi xướng bằng cách riêng của mình và sau đó là các tác giả Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan … đều có các công trình phê bình văn học
1.2 Các kiểu nhà phê bình văn học và phê bình văn học của Phan Khôi
Phê bình văn học có nhiều kiểu loại như phê bình hàn lâm, phê bình báo chí, phê bình nghệ sĩ, … Phê bình văn học trong Chương Dân Thi Thoại là kiểu nhà văn kiêm nhà phê bình.
Trong Chương Dân Thi Thoại, Phan Khôi xác định: “Thi thoại là sách nói về chuyện làm thơ. Đại để nó là một thứ sách thuộc về loại sách phê bình văn học” [3/142]. Theo đó, nghiệm ra, Phan Khôi là một nhà phê bình văn học, cụ thể là nhà phê bình thơ.
Phan Khôi có một quá trình hoạt động phong phú. Ông viết nhiều thể loại: làm thơ, viết truyện ngắn, viết báo, viết phê bình văn học, dịch thuật… Công trình Chương Dân Thi Thoại, ông ưu tiên cho việc phê bình thơ. Loại này không có nhiều, nên có thể gọi ông là nhà phê bình thơ bán chuyên nghiệp.
Phần II. Một số đặc điểm phê bình thơ của Phan Khôi
2.1 Phê bình thơ của Phan Khôi nhìn từ quan điểm đối với nội dung thơ
2.1.1 Thơ phải có ý cảnh và tư tưởng
Phan Khôi quan niệm làm thơ phải có ý cảnh của tác giả. Ông nói: “Mọi sự vật bày ra trước mắt ta vốn lộn xộn, mà ta làm cho nó thứ tự trong một bài thi của ta, ấy là sắp đặt cảnh giới” [3/75]. Có thể hiểu cách diễn đạt của ông là bàn đến việc tái tạo thế giới, là quá trình chủ thể hoá các đối tượng thẩm mỹ. Cũng theo ông, nó “thuộc về phương diện tinh thần” [3/75] và phải có kinh nghiệm nghệ thuật mới làm được. Chú trọng đến ý cảnh, tuy Phan Khôi chỉ khái quát, nhưng chính là ông đã nói đến “bếp núc” của việc sáng tác thơ, đặt vấn đề về lý luận văn học. Để làm được điều đó, ông cho rằng người làm thơ phải có học, phải nắm được “tự pháp”, “cú pháp:, “chương pháp” và “thiên pháp” – tức là cách dùng chữ, dùng câu, tổ chức bài thơ, liên kết nhiều bài thơ [3/75] . Những ý kiến của ông, đến nay vẫn còn có ích cho người làm thơ.
Nói chuyện làm thơ, Phan khôi quan niệm thơ nên có tư tưởng. Nghiên cứu tác phẩm văn chương, mà tác phẩm không chứa đựng một tư tưởng gì thì phí phạm công sức. Chính những tư tưởng nhất định, chìm hoặc nổi trong cấu trúc tác phẩm là lực hút đối với người nghiên cứu. Đọc Chương Dân Thi Thoại, ta thấy Phan Khôi có quan tâm tư tưởng trong tác phẩm. Nếu không có tư tưởng, tình cảm với số phận người éo le, chắc chắn Phan Khôi không tìm hiểu làm chi đối với một ả đào ở Hà Nội. Việc ông và một người bạn ở Hà Nội cùng hiểu biết về cô Đào tài hoa bạc mệnh vì bị mẹ cha ép gả vừa cho thấy tình cảm nhân văn của ông, vừa cho thấy tư tưởng quý trọng hạng người tài hoa trong xã hội phong kiến. Ông đã trân trong giới thiệu 7 bài thơ thất ngôn bát cú do cô Đào làm ra. Thấu hiểu nỗi đau đớn bạc mệnh của cô, ông cho rằng phận bạc ấy là do “lỗi của cha mẹ, lỗi của luận lý, lỗi của chế độ gia đình” [3/97]. Phan Khôi dành nhiều trang cho nhà thơ Tú Xương có “tư tưởng quốc gia” và việc khoa cử. Ông nói Tú Xương “là một người có chí khí, có tư tưởng nữa” [3/79]. Tư tưởng ấy là việc Tú Xương quan tâm đến điều ít ai biết ở cụ Phan Sào Nam từ khi chưa đỗ đạt: “có chí về quốc sự”. Phan Khôi xác định Tú Xương “là người có tư tưởng khá lắm, chứ không phải chỉ chuyên một nghề ngâm vịnh mà thôi” [3/79]. Tư tưởng là “tư tưởng quốc gia” [3/78]. Ý kiến của Phan Khôi đã góp phần sớm sủa vào việc đánh giá Tú Xương là nhà thơ có tấm lòng yêu nước thầm kín, biết chia sẻ “ý chí quốc sự” của Phan Bội Châu, chứ không phải chỉ là nhà thơ trào phúng. Điều đó, sau này giáo trình văn học Trung đại Việt Nam (T2, NxB ĐHSP, 2007, tr. 291-293) cũng ghi nhận. Quan tâm đến tư tưởng trong thơ, như vậy, quan niệm của Phan Khôi đã nâng tầm vóc thơ Tú Xương lên một mức đáng trân trọng.
2.1.2 Thơ hay tự nhiên và thơ kỹ thuật
Bàn về thơ, Phan Khôi nói: “Thi hay có hai cách: một cách hay tự nhiên, một cách hay đúc đắn. Tự nhiên thì có phần lưu lợi, đúc đắn thì có vẻ trang nghiêm. Nhưng trang nghiêm thì thường được bên văn từ, mất bên tình tính, mà lưu lợi thì có thể lưỡng toàn hơn” [3/36 - 37]. Có thể hiểu thơ hay tự nhiên, theo Phan Khôi là thơ đạt được sự linh hoạt, hài hoà chỉnh thể, còn thơ “đúc đắn” là thơ có phô lộ kỹ xảo, khuôn thước. Ở chương 38, Phan Khôi nói thêm: “Bài thơ hay không cốt ở lời mà thôi, cốt ở ý nữa. Cái ý ấy hàm súc trong bài thơ mà không lộ ra … Cái ý của bài thơ hay, sau khi ngâm hay đọc, thấy có cái hậu như cái hậu của trà ngon, đằm thắm mà đậm đà, uống vào khỏi cổ rồi mà lưỡi vẫn còn muốn nhắp” [3/112 - 113] . Quan niệm về dư vị, vĩ thanh của thơ hay như vậy là đúng. Sau này, lý luận về thơ nói nhiều đến bản chất, chức năng của thơ hay, nhưng quan niệm của Phan khôi vẫn còn tính thời sự. Khi kể chuyện dịch thơ Viên Mai, ông nói tiếp: “Phàm thơ hay, là tả tình, tả cảnh cũng đều phải cho chân. Có chân mới thấy hay” [3/75]. Có lẽ quan niệm này cũng hoà chung vào loại thơ hay tự nhiên nói trên. Mở đầu cho thơ hay tự nhiên, Phan Khôi giới thiệu bài thơ thất ngôn bát cú có luật trắc, vần bằng, niêm đối hoàn chỉnh của Quan Thượng thư Trần Chỉ Tín ở Huế, bài “Tự thuật” và ông khen: “Toàn thiên không dùng một cái điển cố nào, cực kỳ minh sướng, cực kỳ thanh tao mà cực kỳ đôn hậu. Dẫu người không thuộc lịch sử của ngài nữa, đọc qua cũng đủ biết ngài là một vị quan lớn thanh bần. Thi như thế, đã thật vào cảnh tự nhiên” [3/37]. Đối với Phan Khôi, thơ như vậy là thơ hay tự nhiên. Còn đối với loại thơ hay đúng đắn (ông dùng chữ “đúc đắn”), ông nói nó “có vẻ trang nghiêm”, “thường được bên văn từ, mất bên tính tình (ông dùng chữ “tình tính”). Ở chương 3, ông giới thiệu 3 cặp câu thơ: 1 khuyết danh, 1 của Tuy Lý Vương, 1 của Đức Dực Tôn và cho rằng đều “khắc hoạch” cả, tức là như chạm khắc từng nét bút. Ở đây ông muốn nói đến văn từ. Từ “tiểu xảo” ông dùng cho câu thơ khuyết danh được truyền tụng :
Ngọn nước chảy xuôi trời lật ngửa
Mảnh gương úp sấp đất nằm nghiêng
cũng là “được bên văn từ”. Loại thơ đúng đắn này, theo ông là “không lưỡng toàn” bằng thơ hay tự nhiên.
2.2. Phê bình thơ của Phan Khôi nhìn từ nghệ thuật
2.2.1 Phê bình thơ của Phan Khôi là phê bình bán chuyên nghiệp
Như trên đã nói, công trình kiểu Chương Dân Thi Thoại không có nhiều. Ông lại viết nhiều thể loại, nhưng Chương Dân Thi Thoại chỉ ưu tiên cho việc nói chuyện về thơ, về bình thơ. Tôi gọi ông là nhà văn, nhà thơ kiêm nhà phê bình, chuyên phê bình thơ và nhà phê bình bán chuyên nghiệp, vì những lẽ sau đây. Thứ nhất, về việc phê bình thơ, ông chỉ có công trình nghiên cứu: Chương Dân thi thoại. Thứ hai, ông có nghiên cứu,viết, bàn đến nhiều vấn đề như: “Việt ngữ nghiên cứu”, dịch thuật, sáng tác. truyện ngắn, tranh luận về nho giáo, truyện Kiều, quốc học, duy tâm – duy vật, phê bình lãnh đạo văn nghệ, tổ chức văn học, xuất bản báo chí, … Những hoạt động có tính chất học giả đó không cho phép ông chuyên chú phê bình thơ, am hiểu toàn diện các dòng thơ, loại thơ, nhóm thơ cùng tồn tại và phát triển ở thời đại ông sống. Thứ ba, cách thức phê bình thơ của ông không có tính hàn lâm, quy cũ. Ông phê bình rất tự do theo hướng chủ yếu là tìm cái hay, cái thú vị, hấp dẫn từ chữ nghĩa, câu thơ, bài thơ cụ thể. Các tác giả ông tâm đắc phê bình có cả khuyết danh, có tên tuổi, có sang, hèn, có cả sự đối lập về lập trường chính trị, không cần thứ tự, thế hệ. Ông có hoài bão đổi mới thơ Việt Nam, và ngay ở thời đại ông, Thơ Mới đã thực sự phát triển, nhưng khi bàn về chuyện thơ ông chủ yếu bàn thơ cũ với các yêu cầu về thi pháp của nó. Giới hạn này khiến chuyện phê bình thơ của ông chưa mở rộng được trường diện đối với thơ Việt Nam, nhất là giai kỳ từ sau năm 1932. Cách phê bình thơ của ông, do đó, chưa đủ những yêu tố cần thiết để gọi ông là nhà phê bình chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đặt công trình Chương Dân Thi Thoại của ông trong việc phê bình văn học nói chung ở thời kỳ ấy, không thể không thấy những đóng góp của ông ở hai mặt là phát hiện cái hay của ngôn từ trong thơ và một vài vấn đề lý luận về thi pháp.
2.2.2 Phê bình thơ của Phan Khôi: cảm - bình nhiều hơn phân tích
Đọc Chương Dân Thi Thoại, có thể thấy Phan Khôi nói đến nhiều tác phẩm, tác giả khác nhau, nhưng cách thức chủ yếu của ông là cảm – bình tác phẩm, tác giả, chứ không tập trung phân tích vi mô. Như ở phần thơ hay tự nhiên đã nói, khi nói về thơ Quan Thượng Thư Trần Chỉ Tín ở Huế, sau khi giới thiệu bài thơ “Tự Thuật”, ông chỉ cảm nhận là chính. Ở đây, cảm nhận đi liền vói đánh giá bài thơ hay [3/37]. Tìm hiểu ông Tôn Thọ Tường, “một nhà văn học có tiếng”, “có ra làm quan với chánh phủ Pháp” [3/58], Phan Khôi giới thiệu đầy đủ mười bài thơ liên hoàn tự thuật của ông Tôn Thọ Tường, rồi khái quát: “Coi mười bài ấy đủ thấy cái khổ tâm của ông Tôn” [3/61]. Cách khái quát như vậy chủ yếu là cảm nhận đối với thơ ông Tôn. Dĩ nhiên, theo thi pháp thơ thất ngôn bát cú truyền thống, mười bài thơ của ông Tôn đã đạt yêu cầu và do đó, dễ hiểu đối với bất cứ ai yêu mến thơ luật Đường. Ông Phan Khôi có phân tích vi mô thêm nữa, có khi không cần thiết. Ông chọn cách khái quát mang tính cảm nhận như trên là hợp lý. Kể về 3 bài thơ của các ông Ngô Ân Sơn, Đỉnh Trai tiên sinh do Lê Thiên Bảo đọc cho nghe những ngày ở Hà Nội, ông Phan Khôi nói rất gọn: “Thơ thì hay” [3/92], rồi trích thơ giới thiệu, chứ không nói gì thêm. Chỉ nói “Thơ thì hay” là nói việc đã cảm nhận. đánh giá chất lượng các bài thơ rồi. Phan Khôi kể về thầy thuốc đông y Nguyễn An Cư ở Hóc Môn có làm thơ, làm câu đối. Về thơ, Phan Khôi giới thiệu hai bài: Một bài có nội dung nói về triết lý tri túc an lạc và một bài gọi là “Diễu Vợ”. Giới thiệu bài thứ nhất xong, ông kể: “Nhơn tôi đem bài thơ đó vừa trầm trồ vừa đọc cho người ta nghe…” [3/101]. Đó là thái độ tình cảm ủng hộ đối với bài thơ của ông. Còn đối với bài thứ hai, ông nhận xét: “Mà giọng thơ nghe cũng êm êm nhẹ nhẹ như trên” [3/101]. Đây là cũng là sự cảm nhận của ông. Thật ra không phải Phan Khôi không phân tích vi mô ở một số bài thơ của các tác giả được đề cập đến trong Chương Dân Thi Thoại, nhưng việc xác định một cách tương đối rằng ông thường cảm – bình hơn phân tích vi mô là cách nhìn trên phương tiện “Số lượng phần lớn”. Chính cách cảm – bình này của ông lại cho thấy ông đã nghiền ngẫm được chất lượng của bài thơ xong rồi, ông mới đưa ra. Cách cảm – bình này vẫn thể hiện được khả năng cảm và nắm bắt cái hồn từng bài thơ của Phan khôi.
2.2.3 Phê bình thơ của Phan Khôi – một cách tự thể hiện mình
Phan Khôi là một trường hợp phức tạp. Vấn đề đó cần được hội thảo bàn luận kỹ. Trong cái nhìn thiển cận của mình, tôi nghiệm ra, việc phê bình thơ của Phan Khôi như một cách thể hiện bản thân mình. Đã có nhiều ý kiến nói về cái riêng trong tích cách, trong học thuật của Phan Khôi; Dù có chỗ còn chưa thống nhất, nhưng nên ghi nhận một số ý kiến sau. Về học thuật của ông, có một số nhà văn đương thời nói: Thiếu Sơn nói “cái đặc biệt ở Phan Khôi là chống công thức” [4/635]; Vũ Ngọc Phan nói Phan Khôi “có cái tài là làm cho con chuột nhắt đẻ ra trái núi” [4/604]; Phạm Thế Ngũ nói “Cái óc phê bình mà ông biểu lộ trên báo là khác người” [4/101]; Hải Triều nói Phan Khôi là người “có gan cởi cái áo lót của bọn Tống Nho hủ bại” (trích lại - [4/569])… Về con người, tính cách của ông, nhiều ý kiến đều cho rằng ông có tính cách khẳng khái, có bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm đối với lời nói của mình. Ông còn là người tự phụ, “Có óc tỉ mỉ, soi mói” (chữ dùng của Vũ Ngọc Phan), khoái thích những chỗ văn thơ có chút kiêu ngạo, thế tục, khích bác. Những điều nói trên, có thể tìm thấy trong Chương Dân Thi Thoại. Khi bàn về thơ ông Học Lạc, giữa ông Phan Khôi và ông Tòng Sơn T-N-Q có ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến của Ông Tòng Sơn, không đúng về chữ “học sanh”, ông Phan Khôi nói ngay “ấy là ông lầm” [3/111]. Do rất khoái ông Nhiêu Tâm có tài thơ, nên Phan Khôi dành nhiều trang nói về quan hệ và tài thơ của ông này. Ông kể ông Nhiêu Tâm có người bạn tên Bá Hộ Non ở Vĩnh Long. Ông Bá Hộ Non gặp ông Nhiêu Tâm có hỏi việc làm ăn thế nào, ông Nhiêu Tâm liền đọc bốn câu:
Thấy anh, tôi nghĩ lại, tôi buồn
Tôi khó, anh giàu đã quá muôn
Anh vậy, tôi vầy, trời khiến vậy
Chúc cho con cháu vậy luôn luôn!
Rồi ông Phan Khôi giải thích: “Người đọc cho tôi nói rằng: Bài nầy xấc là tại chữ “muộn”. Theo đúng tiếng An Nam thì thật không hiểu xấc chỗ nào, nhưng vì người Nam Kỳ phần nhiều đọc “muôn” ra “muông”, mà muông tức là chó, cái xấc ở đó” [3/117]. Ông Phan Khôi cũng thích khoái ông Trần Tế Xương vì xuất khẩu thành thơ, nhất là thơ ông Tú Xương có cái giọng khôi hài trào phúng [3/64]. Phan Khôi kể rằng Trần Tế Xương có biết một bà quan goá chồng hay đi chùa và bà đã phải lòng một chú tiểu ở chùa Phù Luông. Bà quan goá chồng này có cậu con trai hay kiêu căng, ra đường thường có điếu trắp đi theo giống như một công tử. Thấy thế, ông Tú Xương làm bài thơ chế giễu cậu con trai ấy. Bài thơ đó chỉ biết được hai câu này:
Thôi đừng điếu trắp nghênh ngang nữa,
Thằng tiểu Phù Luông nó “chửi” mày.
Rồi Phan Khôi phân tích, bình luận như sau: “Những người bạo gan dám chửi thơ ông Tú Xương chắc cho chữ “chửi” trong câu này là tục. Song tự ông thì ông cho đã nhã lắm. Ông đã giấu cái tục đi mà tôi còn bới ra, thì thật tôi là đồ tục quá!. Nhưng nếu không thế lại sợ những kẻ kia không hiểu! Vậy xin độc giả cho phép tôi bất lịch sự một chút mà giải câu ấy như vầy: Chữ “chửi” đó bằng với từ “đéo mẹ”. Thằng tiểu Phù Luông nó chửi mày tức là thằng tiểu Phù Luông nó đéo mẹ mày!. Mô Phật ! Mang tội lỗ miệng!” [3/65-66]. Những thi thoại nói trên có nét gần gũi với đặc điểm, kiểu cách con người ông Phan Khôi. Những chuyện như thế, do đó, có thể nói cách phê bình thơ của ông cũng là một cách ông tự thể hiện mình.
Phần III: Kết luận chung
Đọc Chương Dân Thi Thoại của Phan Khôi, quả ông có một số đặc điểm khi bàn về chuyện thơ. Những đặc điểm ấy có thể chưa đầy đủ và chưa được thấu hiểu sâu sắc đối với người tìm hiểu đề tài này. Dù vậy, một số đặc điểm nhìn từ nội dung và nhìn từ nghệ thuật như đã nói, cho thấy Phan Khôi thực sự là người phê bình thơ – dù không chuyên nghiệp – vẫn có quan điểm, phương pháp cụ thể để thực hiện thi thoại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Hoa Tiên, 1967
2. Phan Khôi, Chương Dân Thi Thoại, Nxb Đà Nẵng 1996
3. Phan Khôi, Việt ngữ nghiên cứu, Nxb Đà Nẵng 1997
4. Vu Gia, Phan Khôi, Tiếng Việt, báo chí, Thơ mới, Nxb Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2003
5. Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, 2004.
(Bài đã in trong Kỷ yếu Hội thảo Phan Khôi với văn hóa dân tộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam in năm 2014).