Thứ bảy, 22/02/2025    
Tìm kiếm:    


 Tin mới nhất
 
 Chương trình đào tạo bậc cao đẳng,ngành Giáo dục Mầm non (năm 2024)
 CTĐT bậc ĐH, ngành Sư phạm Ngữ văn (cập nhật năm 2024)
 Chuẩn đầu ra CTĐT (cập nhật năm 2024)
 TKB học kì II, năm học 2024 - 2025 (từ ngày 09.12.2024)
 Danh sách sinh viên các học phần, học kì I, năm học 2024 - 2025
 TKB học kì I, năm học 2024 - 2025 (từ ngày 09.9.2024)
 TKB học kì I, năm học 2024 - 2025 (từ ngày 05.8.2024)
 TKB học kì I, năm học 2023 - 2024 (từ ngày 15.7.2024)
 Danh sách SV các học phần (học kì II, năm học 2023-2024)
 TKB học kì II, năm học 2023 - 2024 (từ ngày 19.02.2024)
   Đăng nhập  
  Tài khoản:  
  Mật khẩu:  
 
 
  NCKH CỦA CÁN BỘ - GIẢNG VIÊN
     NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KỸ NĂNG SỐNG CỦA HỌC SINH, SINH VIÊN 21:36 11/04/2016 [2548]
 
  
     TRẦN THỊ KIM HUỆ (Trường Đại học Phạm Văn Đồng - Quảng Ngãi)

Tóm tắt: Kỹ năng sống (KNS) là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều nhà tâm lý học, trở thành vấn đề "nóng" trong xã hội hiện nay bởi vai trò của nó đối với mỗi người. KNS vừa mang tính xã hội vừa mang tính cá nhân. KNS của mỗi người là khác nhau, có những người có kỹ năng ứng phó với các tình huống gặp phải trong cuộc sống tốt, nhưng cũng có những người thiếu những kỹ năng cần thiết, ứng xử không phù hợp với những tình huống gặp phải. Vậy nguyên nhân của sự khác biệt ấy là do đâu? Bài viết này nhằm làm sáng tỏ những yếu tố ảnh hưởng đến KNS của hoc sinh, sinh viên (HSSV); trên cơ sở đó góp phần vào việc giáo dục nâng cao KNS của nhóm đối tượng này.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Xã hội hiện đại đem lại nhiều thời cơ và thách thức mới. Để nắm bắt lấy thời cơ, vượt qua thách thức một cách hiệu quả, một trong những hành trang không thể thiếu với mỗi người là KNS. KNS được xác định là yếu tố giữ vai trò quan trọng trên con đường đi đến thành công và hạnh phúc của mỗi người. KNS được ví như hình ảnh cây cầu đưa con người vượt qua dòng sông chứa đầy những nguy cơ, thách thức của cuộc sống hiện đại.

Đối với HSSV, KNS không chỉ giúp họ thành công trong học tập, nghề nghiệp tương lai, mà còn giúp họ tạo dựng cuộc sống an toàn, thành công và hạnh phúc. Thực tế đã chứng minh, nhiều HSSV ra trường mặc dù rất giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, nhưng không thành công trong công việc hoặc không xin được việc làm tốt vì thiếu các kỹ năng (KN) làm việc nhóm, KN giao tiếp, KN lập lế hoạch… Giáo dục KNS cho thế hệ trẻ nói chung và SV nói riêng đang ngày càng là một đòi hỏi cấp bách trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt công tác giáo dục KNS cho HSSV phải hiểu rõ các yếu tố ảnh hưởng đến KNS, từ đó mới có biện pháp tác động phù hợp nhằm nâng cao KNS cho họ.

2. KHÁI NIỆM KỸ NĂNG SỐNG

Có nhiều quan điểm khác nhau về KNS. UNESCO cho rằng KNS là năng lực để cá nhân thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày. Theo WHO, KNS là những KN tâm lý xã hội và KN giao tiếp được vận dụng trong những tình huống hàng ngày để tương tác một cách có hiệu quả với người khác... Ngoài ra, còn có quan niệm về KNS của các tác giả Huỳnh Văn Sơn, Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Thanh Bình... Trong bài viết này, chúng tôi tiếp cận khái niệm KNS như là hệ thống các KN nói lên năng lực sống của con người, giúp con người thực hiện có kết quả công việc, cuộc sống. KNS là một hệ thống gồm nhiều nhóm KN, trong đó có những KN cụ thể. KNS là biểu hiện năng lực sống của con người; muốn có KNS phải có tri thức về cuộc sống, về các hành vi trong cuộc sống; biết vận dụng các tri thức để tiến hành hành động và hành động đúng, ứng phó tốt trong những tình huống khác nhau của cuộc sống; KNS vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội. KNS có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của mỗi người, với sự phát triển xã hội. KNS là một tiêu chí để đánh giá chất lượng giáo dục.

3. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KỸ NĂNG SỐNG CỦA HSSV

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách nói chung cũng như KNS của HSSV nói riêng, một cách khái quát có thể chia chúng thành nhóm các yếu tố khách quan và nhóm các yếu tố chủ quan.

3.1. Những yếu tố khách quan

3.1.1.  Nhà trường

Trong nhiều yếu tố tác động đến KNS của HSSV, giáo dục nhà trường giữ vai trò quan trọng. Nhà trường với mục đích, kế hoạch, nội dung, phương pháp khoa học tác động một cách tự giác, tích cực nhất đến sự hình thành, phát triển nhân cách cũng như KNS cho HSSV. Các thầy cô giáo với sự mẫu mực, kinh nghiệm, tri thức phong phú là những tấm gương thiết thực để giáo dục KNS cho HSSV. Ngay từ nhỏ, các em đã được dạy KNS với nội dung cụ thể như cách chào hỏi, KN tự chơi, KN làm việc độc lập, KN làm việc nhóm... Các nội dung này được đưa vào chương trình qua các môn học như giáo dục công dân, sinh học, văn học, mỹ thuật, thể dục... Nhà trường vì thế có thể phát huy ưu thế của mình trong giáo dục KNS cho HSSV; đồng thời có thể hạn chế, cải tạo những tác động tự phát, ngẫu nhiên, tiêu cực của gia đình và xã hội. Giáo dục nhà trường giúp hình thành hành vi tích cực; hạn chế, loại bỏ  những hành vi tiêu cực trước những tình huống gặp phải.

Mặc dù nhà trường có vai trò chủ đạo đến việc hình thành KNS nhưng cũng ở mức độ nhất định. Việc nhận thức đầy đủ về KNS và giáo dục KNS trong nhà trường vẫn chưa được chú trọng, có chăng chỉ là những KN riêng lẻ được tích hợp qua một số môn học. Đồng thời, giáo viên thường nhấn mạnh mặt nhận thức, mặt lý luận mà xem nhẹ mặt hành vi, mặt thực hành.

3.1.2. Gia đình

Gia đình có vai trò quan trọng đối với sự hình thành, phát triển nhân cách. Đây là môi trường giáo dục đầu tiên, tác động thường xuyên đến mỗi người; là yếu tố đặt nền móng cho sự hình thành phát triển nhân cách. Ảnh hưởng của gia đình đến sự hình thành, phát triển KNS thể hiện chủ yếu ở môi trường tâm lý - xã hội của gia đình, ở thái độ của các thành viên trong gia đình đối với những hành vi mà mỗi cá nhân thể hiện và ở chính hành vi của cha mẹ, của người lớn. Tuy nhiên, những tác động này vừa mang tính tích cực, vừa mang tính tiêu cực, tự phát, ngẫu nhiên mà nguyên nhân của nó là sự mâu thuẫn trong nội dung, phương pháp, nguyên tắc tác động của bố, mẹ, anh, chị, ông bà đến thành viên.

§  Môi trường tâm lý - xã hội của gia đình có thể là điều kiện thôi thúc mỗi người cố gắng hoàn thiện nhưng nó cũng có thể là yếu tố cản trở sự phát triển và thể hiện KNS, làm nảy sinh những cách ứng phó, hành vi tiêu cực. Gia đình hạnh phúc, hòa thuận sẽ là cơ sở để mỗi người chia sẻ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, khó khăn; cùng giúp nhau tìm ra cách giải quyết tối ưu cho những khó khăn, tình huống gặp phải. Đây cũng là cơ sở, nền móng để hình thành ở mỗi người sự tự tin, lạc quan trong cuộc sống, khi tham gia vào các mối quan hệ xã hội khác. Gia đình có tâm lý tích cực là hậu phương vững chắc để cá nhân thực hiện ước mơ, hoài bão, dấn thân vào đời. Ngược lại, gia đình có bầu không khí căng thẳng, không hòa thuận dễ làm cá nhân có suy nghĩ và hành động tiêu cực. Chính những lúc này mỗi người thường cảm thấy chán nản, không biết chia sẻ tâm tư, tình cảm, thắc mắc của mình, vì vậy dễ tự ti, mất phương hướng, buông xui khi tham gia vào các hoạt động và các mối quan hệ xã hội khác.

§  Thái độ của cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình  đối với hành vi của mỗi cá nhân cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành KNS. Ở nhiều gia đình, bố mẹ biết thể nào là hành vi đúng mà con cần thể hiện, và tìm mọi cách để giáo dục con có hành vi ấy, đồng thời biết củng cố bằng cách khen ngợi, tỏ thái độ hài lòng khi con có hành vi tốt. Đây là cơ sở để cá nhân biết xác định, lựa chọn hành vi tích cực. Tuy nhiên, cũng có những gia đình bố mẹ không quan tâm đến tư tưởng, tình cảm, thái độ, hành vi của con, đặc biệt dưới ảnh hưởng của cơ chế thị trường, nhiều cha mẹ lo làm ăn, cho con thật nhiều tiền và nghĩ rằng thế là đủ. Vì thế, nhiều khi con cái hư hỏng, vi phạm pháp luật, đánh nhau với bạn bè, nghiện hút  mà cha mẹ không hề hay biết. Thậm chí, nhiều bố mẹ quá nuông chiều con, con đòi hỏi gì cũng được đáp ứng, biết con hành động như vậy là sai nhưng vì "thương con" nên bỏ qua...

§  Hành vi của bố mẹ và các thành viên khác trong gia đình cũng ảnh hưởng lớn đến KNS của con. Cha mẹ là tấm gương để con noi theo, dù vô tình hay cố ý, những hành vi của cha mẹ là hình mẫu điển hình nhất để con cái học tập và làm theo. Nếu cha mẹ có hành vi, cách cư xử, ứng phó tiêu cực, thụ động thì ngay từ nhỏ, trẻ có thể cho đó là cách ứng phó duy nhất, và sau này dù thay đổi nhận thức thì những hành vi này ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến chúng. Ngược lại, nếu cha mẹ suy nghĩ và hành động tích cực cũng sẽ làm nảy sinh ở trẻ những suy nghĩ và hành vi tích cực. Chẳng hạn, trước một tình huống khó khăn nảy sinh trong gia đình, nhiều cha mẹ tỏ thái độ buồn chán, cải vã nhau, mất bình tĩnh, đi vào rượu chè, cờ bạc, lảng tránh vấn đề... sẽ hình thành ở con cái tư tưởng và cách ứng phó tiêu cực, sự bi quan, không tin tưởng vào cuộc đời, và cũng sẽ thể hiện hành vi tương tự với những khó khăn mà chúng gặp phải... Ngược lại, nếu cha mẹ bình tĩnh, cùng nhau suy nghĩ, tìm cách giải quyết, hỏi ý kiến người khác... thì con cái sẽ học hỏi và lựa chọn những cách này để giải quyết vấn đề gặp phải.

3.1.3. Xã hội

Ngoài nhà trường và gia đình, HSSV còn chịu tác động của các mối quan hệ xã hội cũng như các phương tiện thông tin đại chúng.

§  Bạn bè cũng là yếu tố ảnh hưởng đến KNS của HSSV. Ở lứa tuổi này, bạn bè giữ vị trí quan trọng. Bạn bè là nơi HSSV có thể chia sẻ những tâm tư, tình cảm, trao đổi suy nghĩ, quan điểm một cách dễ dàng và thoải mái nhất. Khi gặp khó khăn, bạn bè thường là chỗ dựa cho nhau, xoa dịu căng thẳng và tìm lời khuyên bổ ích. Tuy vậy, mối quan hệ này cũng có thể có tác động xấu đến KNS của HSSV. Thời gian gần đây, có nhiều vụ việc tiêu cực xảy ra liên quan đến HSSV mà nguyên nhân của nó là sự tác động của bạn bè. Nhiều HSSV ý thức tự giáo dục kém, không giữ vững lập trường trước những lôi kéo, cám dỗ của bạn bè... Những trường hợp HSSV tụ tập đánh nhau, giết người, rủ nhau hút chích ma túy, các trường hợp HSSV tự tự tập thể... không phải là chuyện hiếm.

§  Phương tiện thông tin đại chúng: HSSV là lực lượng nắm bắt thông tin nhanh, trong những thông tin đó, có những thông tin hữu ích nhưng cũng có những thông tin vô bổ, thậm chí có hại nếu không biết phân biệt và tập nhiễm. Internet, tivi, phim ảnh, báo chí âm nhạc có thể là một phương tiện giáo dục nhưng cũng có thể là nguyên nhân nảy sinh hành vi tiêu cực ở HSSV. Nhiều ca khúc nhạc trẻ tình cảm sướt mướt, uỷ mị, nhiều bộ phim yêu đương với những cách xử lý tình huống phi hiện thực, game online với tính bạo lực tràn lan, những website nội dung không lành mạnh… ít nhiều ảnh hưởng đến cách suy nghĩ,  hành vi của HSSV.

3.2. Những yếu tố chủ quan

KNS không chỉ chịu ảnh hưởng của gia đình, nhà trường, xã hội mà còn chịu ảnh hưởng của những yếu tố chủ quan như sức khỏe, đặc điểm lứa tuổi, giới tính, trình độ nhận thức, tình cảm,  khí chất, tính cách, tự ý thức, tự giáo dục của HsSV.

§  Đặc điểm lứa tuổi, giới tính: Những đặc điểm lứa tuổi và giới tính có ảnh hưởng nhất định đến sự hình thành và phát triển KNS. Nhiều nghiên cứu chỉ ra sự khác nhau trong hành vi ứng phó với những khó khăn của từng độ tuổi khác nhau. Kết luận của những đề tài này cho thấy từ độ tuổi 18, 19 đã chọn cách ứng phó đổ lỗi cho bản thân và sử dụng kiểu ứng phó với stress như uống rượu, bia và hút thuốc nhiều hơn so với trẻ nhỏ hơn.

Một số đề tài cũng chỉ ra sự khác biệt trong KNS của nam và nữ. Chẳng hạn, trong nhiều tình huống, nữ có mức độ thể hiện tình cảm cao hơn nam. Các em thường tìm chỗ dựa tình cảm, hỏi kinh nghiệm và lời khuyên của người khác. Bên cạnh đó, nữ thường có cách giải quyết tích cực trước tình huống khó khăn hơn nam, khả năng kiềm chế bản thân, xu hướng lảng tránh khó khăn hơn và ít thực hiện những hành vi tiêu cực hơn  nam.

§  Trình độ nhận thức là một trong 3 yêu cầu không thể thiếu để có KNS. KNS có cơ sở từ hiểu biết, nhận thức của mỗi người. Nhận thức đúng về cuộc sống là cơ sở để có hành vi đúng trước tình huống gặp phải. Nhận thức về cuộc sống là tri thức của mỗi người về bản thân, xã hội, về thế giới... Trình độ nhận thức được hình thành bằng nhiều con đường khác nhau như giáo dục nhà trường, tham gia các hoạt động xã hội, giao tiếp, tự học, giáo dục, quá trình cá nhân trải nghiệm cuộc sống...

§  Quá trình tự giáo dục, tự ý thức của mỗi cá nhân là yếu tố có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành phát triển nhân cách nói chung cũng như KNS nói riêng. Tự ý thức của mỗi người là cơ sở để có những KNS khác. Đồng thời, đây sẽ là yếu tố để kiểm soát, điều khiển, điều chỉnh mỗi người trước khi thể hiện hành vi nào đó. Vì vậy, nếu cá nhân tự ý thức cao sẽ có những KNS tốt, có những hành vi, cách ứng xử phù hợp với những tình huống gặp phải trong cuộc sống. Ngược lại, nếu tự ý thức kém, cá nhân không thể kiểm soát, đánh giá được hành vi, cách ứng phó của mình sẽ dễ nảy sinh những hành vi tiêu cực, không phù hợp trước những tình huống gặp phải trong cuộc sống.

§  Đặc điểm nhân cách: Các nhà tâm lý học qua nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đặc điểm nhân cách của cá nhân ảnh hưởng lớn đến KNS của người đó. Scheier, Weintraub và Carver (1986) đã chỉ ra mối liên hệ giữa tính lạc quan, bi quan và KNS của con người. Các tác giả đã chỉ ra rằng tính lạc quan có mối quan hệ với việc sử dụng cách ứng phó tập trung vào vấn đề, giải quyết vấn đề, tìm kiếm các chỗ dựa xã hội và tập trung chú ý đến mặt tích cực của những tình huống khó khăn trong cuộc sống. Ngược lại, người bi quan thường có thái độ phủ nhận, tập trung chú ý đến những cảm giác căng thẳng, diễn giải một cách chủ quan, thậm chí sai lệch những biến cố xảy ra với mình. Trong nghiên cứu khác về mối liên hệ giữa tinh thần lạc quan với tri giác và cách giải thích hoàn cảnh, Scheier và Carver đã chỉ ra rằng những người lạc quan, tin tưởng vào kết quả tốt đẹp sẽ có những cách ứng phó tích cực trước những tình huống gặp phải, còn người bi quan, luôn nghĩ đến những kết cục xấu thì có xu hướng thể hiện những phản ứng tiêu cực, bị động.

Khí chất cũng được xem như một yếu tố ảnh hưởng lớn đến KNS của mỗi người. Ảnh hưởng này thể hiện ở sự đánh giá của cá nhân với một sự kiện nhất định xem có khó khăn hay không và ở cách cá nhân lựa chọn để giải quyết các vấn đề. Ebata và Moos (1994) trong nghiên cứu của mình nhận thấy những người có khí chất ưu tư, hướng nội thường có cái nhìn bi quan về những tình huống gặp phải trong cuộc sống và có thể ứng phó bằng cách lảng tránh, buông xuôi nhiều hơn. Nhưng đối với những người có khí chất hướng ngoại thường đánh giá vấn đề theo hướng tích cực hơn như tìm kiếm sự hỗ trợ xã hội, trực tiếp giải quyết vấn đề.

Tóm lại, KNS của HSSV chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, được khái quát thành những yếu tố khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, đây chỉ là những yếu tố cơ bản, được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu. Vì vậy, muốn tiến hành công tác giáo dục KNS đạt hiệu quả cao, cần lưu ý đến vai trò của tất cả các yếu tố này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]   Nguyễn Thanh Bình (2007), Giáo dục một số kỹ năng sống cho học sinh THPT, Đề tài (NCKH cấp Bộ) B 2005-75-126, Trường ĐH Sư phạm 1 Hà Nội.

[2]   Trần Thị Kim Huệ (2010), Kỹ năng sống của sinh viên trường Đại học Phạm Văn Đồng - Quảng Ngãi, Luận văn thạc sĩ Tâm lý học, ĐH Sư phạm - ĐH Huế.

[3]   Nguyễn Diệu Thảo Nguyên (2009), Kỹ năng  ứng phó với những khó khăn trong gia đình của học sinh THPT TP. Huế, Luận văn thạc sĩ tâm lý học, ĐH Sư phạm -  Đại học Huế.

[4]   Nguyễn Quang Uẩn (2009), Chuyên đề Hệ thống cơ sở lý luận cơ bản về kỹ năng sống và giáo dục kỹ năng sống cho thiếu nhi thủ đô, Đề tài (NCKH cấp Nhà nước) 01X- 06/03- 2009-02), Thành đoàn Hà Nội, Hà Nội.

TRẦN THỊ KIM HUỆ

Khoa Sư phạm xã hội, Trường Đại học Phạm Văn Đồng.

ĐT: 0974.633.014. Email: tranhue0611@gmail.com

Bài được in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Giáo dục Kỹ năng sống cho học sinh và sinh viên, Trưởng CĐSP Vũng Tàu, 2011.

 

 

 

 

 
Các tin khác liên quan :

      Phát triển đội ngũ GV các trường ĐH, CĐ mới thành lập 10:28 04/08/2017 [1485]


      ĐỔI MỚI QUAN NIỆM VỀ HIỆN THỰC TRONG SÁNG TÁC CỦA PHẠM THỊ HOÀI 09:06 14/05/2016 [1544]


      SỬ DỤNG TEST CSI ĐỂ KHẢO SÁT KỸ NĂNG ỨNG PHÓ VỚI STRESS CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHẠM VĂN ĐỒNG - QUẢNG NGÃI 16:01 13/05/2016 [1473]


      KỸ NĂNG SỐNG CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHẠM VĂN ĐỒNG - QUẢNG NGÃI 15:45 13/05/2016 [1476]


      MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM PHÊ BÌNH THƠ CỦA PHAN KHÔI TRONG CHƯƠNG DÂN THI THOẠI 15:35 13/05/2016 [1474]


      CẢNH QUAN PHONG THUỶ TRONG KIẾN TRÚC TÍN NGƯỠNG Ở LÀNG XÃ QUẢNG NGÃI 20:29 18/04/2016 [1474]


      SỰ TIẾP CẬN VĂN HỌC NHÀ NHO CỦA PHẠM VĂN ĐỒNG 21:24 11/04/2016 [1525]



 Thông báo
 
 Mẫu kê khai công việc năm học 2019 - 2020
 Mẫu bản kiểm điểm đảng viên 2019
 Mẫu phiếu đánh giá, phân loại CBVC năm học 2018 - 2019
 Thư ngỏ của chi đoàn CBGV về việc tổ chức hoạt động Vui tết thiếu nhi tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Hồng Sơn
 Thông báo tổ chức Hội thảo khoa học cấp khoa năm 2019.
 Mẫu cam kết học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2019
 Thông báo kê khai công việc thực hiện trong HK I (2018-2019)
 Thông báo họp mặt đầu năm Kỷ Hợi
 Bài thu hoạch học tập Nghị quyết TW 8, khóa XII (tham khảo)
 Mẫu bản kiểm điểm cá nhân của đảng viên

 Tin quan trọng
 
 TKB học kì II, năm học 2024 - 2025 (từ ngày 09.12.2024)
 Chuẩn đầu ra CTĐT (cập nhật năm 2022)
 TKB học kì I, năm học 2023 - 2024 (từ ngày 07.8.2023)
 Thông báo về việc đăng ký học phần học kì I, năm học 2023 - 2024
 Triết lý giáo dục của khoa Sư phạm Xã hội
 Khoa Sư phạm Xã hội tổ chức buổi chia tay thầy Nguyễn Đăng Động về nghỉ hưu
 Khoa Sư phạm Xã hội tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam
 Khoa Sư phạm Xã hội tổ chức lễ kết nạp Đảng cho 2 đoàn viên ưu tú
 Mẫu kê khai công việc năm học 2019 - 2020
 Công đoàn khoa Sư phạm Xã hội tổ chức Ngày Quốc tế thiếu nhi

 Tin đọc nhiều nhất
 
 Thông báo về việc đăng ký học phần học kì I, năm học 2023 - 2024
 Lịch công tác khoa SP Xã hội tuần thứ 24,năm học 2019-2020 (từ 30/12/2019 đến 05/01/2019)
 Khoa Sư phạm Xã hội tổ chức Họp mặt kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2019)
 Thư ngỏ của chi đoàn CBGV về việc tổ chức hoạt động Vui tết thiếu nhi tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Hồng Sơn
 Công văn tuần 43 (từ 13/5 đến 19/5/2019)
 Lịch công tác khoa SP Xã hội tuần thứ 44,năm học 2018-2019 (từ 20/5/2019 đến 26/5/2019)
 Thông báo tổ chức Hội thảo khoa học cấp khoa năm 2019.
 Hoạt động tình nguyện Đông ấm áp- xuân yêu thương 2019 của LCĐ SPXH tại Trường TH và THCS Ba Lế, Ba Tơ
 Thời khóa biểu khoa Sư phạm Xã hội HK II, năm học 2018 - 2019 (Áp dụng từ ngày 21/01/2019)
 Thời khóa biểu khoa Sư phạm Xã hội HK II, năm học 2018 - 2019 (Áp dụng từ ngày 14/01/2019)