Thứ bảy, 22/02/2025    
Tìm kiếm:    


 Tin mới nhất
 
 Chương trình đào tạo bậc cao đẳng,ngành Giáo dục Mầm non (năm 2024)
 CTĐT bậc ĐH, ngành Sư phạm Ngữ văn (cập nhật năm 2024)
 Chuẩn đầu ra CTĐT (cập nhật năm 2024)
 TKB học kì II, năm học 2024 - 2025 (từ ngày 09.12.2024)
 Danh sách sinh viên các học phần, học kì I, năm học 2024 - 2025
 TKB học kì I, năm học 2024 - 2025 (từ ngày 09.9.2024)
 TKB học kì I, năm học 2024 - 2025 (từ ngày 05.8.2024)
 TKB học kì I, năm học 2023 - 2024 (từ ngày 15.7.2024)
 Danh sách SV các học phần (học kì II, năm học 2023-2024)
 TKB học kì II, năm học 2023 - 2024 (từ ngày 19.02.2024)
   Đăng nhập  
  Tài khoản:  
  Mật khẩu:  
 
 
  NCKH CỦA CÁN BỘ - GIẢNG VIÊN
     SỰ TIẾP CẬN VĂN HỌC NHÀ NHO CỦA PHẠM VĂN ĐỒNG 21:24 11/04/2016 [1526]
 
  
     TS. Nguyễn Diên Xướng (Trường ĐH Phạm Văn Đồng) (Tham luận Hội nghị: “Phạm Văn Đồng- nhà văn hóa dân tộc” - Quảng Ngãi, tháng 4/2014)

1. Theo các nhà nghiên cứu, trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam có nhiều kiểu tác giả: nhà nho hành đạo, nhà nho ẩn dật, nhà nho tài tử. Mỗi loại như vậy đều có cơ sở xã hội lịch sử để hình thành, phát triển và biến sinh. Có tác giả chỉ thuần tuý thuộc một kiểu loại, có tác giả dịch chuyển từ loại này sang loại khác và có tác giả chưa “chính danh” của một kiểu nhất định. Trong cuộc đời hoạt động chính trị, ngoại giao, văn hoá phong phú của mình, Phạm Văn Đồng có dịp nghiên cứu hai nhà văn, nhà thơ thời trung đại là Nguyễn Trãi và Nguyễn Đình Chiểu (1/314-327). Qua nghiên cứu, có thể thấy Nguyễn Trãi từ nhà nho hành đạo chuyển thành nhà nho ẩn dật, rồi trở lại nhà nho hành đạo. Còn Nguyễn Đình Chiểu cũng là nhà nho, nhưng về học vị, ông chỉ đỗ tú tài. Ông bị mù, ở nhà dạy học và tất nhiên là dạy chữ Hán với các nội dung phổ biến của nho giáo, đạo thánh hiền. Tuy hai nhà văn nhà thơ này cách xa về thời đại, có khác nhau trong số phận cuộc đời, nhưng có nét chung là cùng sáng tác văn chương mang quan điểm hành đạo của nhà nho. Thơ văn của hai ông, do vậy, về căn bản có thể xem là văn học của nhà nho hành đạo. Tiếp cận thơ văn của hai ông, Phạm Văn Đồng có cái nhìn chung đối với thế giới tác phẩm, nhưng điều cần thấy là Phạm Văn Đồng có ý thức tập trung phân tích, khẳng định những ý nghĩa tích cực của nó trong sự liên hệ với tính thời sự chính trị - xã hội ở Việt Nam những năm 60 của thế kỷ XX.

Trước hết, cần thấy khái niệm văn của nho giáo rất rộng nghĩa và khác nhau trong cách sử dụng ở nhiều nơi, nhiều thời kỳ. Chẳng hạn: văn có thể là cách ứng xử, ở đời cho tốt; văn là tri thức, sự hiểu biết về văn hoá – lịch sử; văn là sự biểu hiện ra bên ngoài. “Văn có tính chất cao quý, vì nó là lời nói thánh nhân và có bản chất thượng giới linh thiêng vì gắn với Đạo, với Trời” (3/60). Khi văn gắn với Đạo, với Trời thì văn không thể không tham gia giáo hoá, tuyên truyền cho quyền lực của Thiên tử cũng như Lễ, Nhạc ràng buộc của chính quyền phong kiến đối với con người. Văn, rồi văn học chính thống của nho giáo phải nói về chuẩn mực đạo đức, phù hợp với đạo đức của từng người trong các quan hệ luân thường của nó. Điều đó không chỉ diễn ra ở Trung Quốc mà cả Việt Nam. Các nhà nho, ông quan ở Việt Nam có làm văn thơ, hầu hết đều theo khuôn mẫu ấy. Không phải ngẫu nhiên mà văn học nho giáo thời thượng trung đại trước tiên không phải là văn học – nghệ thuật, mà là văn học chức năng. Trong văn học chức năng, có 2 loại: văn học chức năng hành chính và văn học chức năng nghi lễ. Các thể loại: Cáo, Hịch, Chiếu, Biểu, Tấu, Sớ, Văn tế …. đã phát huy tác dụng to lớn trong việc chuyển tải đường lối, chính sách của nhà nước phong kiến. Ở đây, văn học buộc phải trở thành công cụ chính trị, thực hiện chức năng giáo hoá. Đó cũng là cách tải đạo, nói chí của văn chương. Thơ văn của Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, nhất là phần hành đạo cũng không ra ngoài quy định đó.

2. Theo Trần Việt Phương, trước khi viết về hai danh nhân lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam là Nguyễn Trãi và Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Văn Đồng đã nhờ Trần Việt Phương và các cộng sự mượn “hàng trăm cuốn sách và tập tư liệu” ( 5/120) về hai danh nhân trên để Phạm Văn Đồng đọc, suy ngẫm rồi mới viết. Trong bài: Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc, Phạm Văn Đồng nhắc đến nhiều tác phẩm, nhiều vấn đề về Nguyễn Trãi, nhưng bài Bình Ngô đại cáo là trường hợp được chú ý hơn cả. Nhưng trước hết, Phạm Văn Đồng khái quát thơ văn Nguyễn Trãi: “Văn là chính trị: chính trị cứu nước, cứu dân, nội trị, ngoại trị” ( 1/314). Phạm Văn Đồng cũng tán đồng đánh giá của các tiền nhân về thơ văn Nguyễn Trãi gắn bó với sự nghiệp kinh bang tế thế. Cụ thể hơn, Phạm Văn Đồng nói: “ Đối với Nguyễn Trãi, yêu nước là thương dân, để cứu nước phải dựa vào dân, đem lại thái bình cho dân, cho mọi người. Triết lý nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, cuối cùng chẳng qua là lòng yêu nước thương dân: cái nhân, cái nghĩa lớn nhất là phần đấu đền cùng chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập của nước, hạnh phúc của dân (1/315)

Bàn về triết lý nhân nghĩa là chạm đến một vấn đề cốt lõi của học thuyết Nho giáo. Nhưng trong lịch sử nho giáo, nhân nghĩa có khác nhau giữa Khổng Tử và Mạnh Tử. Khổng Tử không nói chung nhân nghĩa, mà nói riêng nhân, riêng nghĩa. Khổng Tử nói đến 105 lần về chữ nhân trong Luận ngữ, nhưng mỗi lần mỗi khác, “không có định nghĩa nào rõ ràng” (4/202). Tuy vậy, gọp lại nhiều cách nói của Khổng Tử, có thể xem nhân là điều cao nhất của sự tu dưỡng đạo đức và là cái đạo đức gắn với Lễ, nhạc, chính trị. Còn nghĩa, Khổng Tử không nói cụ thể, nhưng trong quan niệm của ông, nghĩa  phải hạn chế cái có lợi ( khi thấy cái có lợi, nhưng nghĩa không cho phép thì không làm – (4/211). Về sau, Mạnh tử có nói học thuyết của mình là nhân nghĩa, khi đến nước Lương Huệ Vương (4/201). Xưa nay vẫn nói học thuyết Khổng Mạnh, tức đã tổng hợp những phát ngôn, quan điểm của Khổng Tử, Mạnh Tử. Đó là một chút lịch sử vấn đề. Còn ông quan, nhà nho làm văn thơ Nguyễn Trãi dù đã học tứ thư, ngũ kinh, nhưng khi viết Bình Ngô đại cáo đã dùng ngay câu khẳng định: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân - Quân điếu phạt trước lo trừ bạo. Khẳng định như vậy là Nguyễn Trãi từ phạm trù nhân nghĩa của Khổng Mạnh mà tiếp biến đề xuất một nguyên lý mới, có ý nghĩa tích cực, đó là dựa trên việc “ cốt ở yên dân” “trước lo trừ bạo”. Ý nghĩa này, do vậy có tính nhân bản, phù hợp với tâm lý người Việt nửa đầu thế kỷ 15. Phạm Văn Đồng chưa đi thật sâu vào bài Cáo ở nội dung dân chủ, nhưng Phạm Văn Đồng đánh giá Bình Ngô đại cáo là “khúc ca hùng tráng bất hủ của dân tộc ta” (1/316). Điều này chứng tỏ Phạm Văn Đồng đã nâng mọi tầng lớp nhân dân lên ngang tầm chiến thắng. Trong bối cảnh Việt Nam lúc bấy giờ đang chống quân xâm lược ở miền Nam, việc hiểu quá khứ của ông cha qua văn thơ của nhà nho hành đạo như vậy, chính là Phạm Văn Đồng vận dụng sức mạnh truyền thống để tiếp tục làm thức dậy ý chí cứu nước của nhân dân ta. Nhìn ở một phía khác, Bình Ngô đại cáo gắn với vấn đề ngôn ngữ: chữ Hán. Ngôn ngữ là một hiện tượng văn hoá. Bình Ngô đại cáo được viết bằng chữ Hán vào năm 1428, cần được xem là một hiện tượng văn hoá của Việt Nam. Hiện tượng văn hoá này có khác về thời đại với các hiện tượng văn hoá đời sau, nhưng nó là của cùng một dân tộc.

Việc khẳng định văn thơ Nguyễn Trãi là yêu nước thương dân của Phạm Văn Đồng, chứng tỏ văn học chữ Hán của nhà nho Nguyễn Trãi là có giá trị đối với dân tộc Việt Nam trong thời hiện đại. Đứng ở thời điểm cách Nguyễn Trãi 6 thế kỷ, Phạm Văn Đồng như thấy sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi “hướng tới chúng ta” (1/314). Đó là cách tiếp cận đúng đối tượng cần nghiên cứu.

3. Đối với văn chương Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Văn Đồng viết: “Không phải ngẫu nhiên mà thơ văn yêu nước  của Nguyễn Đình Chiểu, một phần lớn là những bài văn tế, ca ngợi những người anh  hùng suốt đời tận trung với nước, và than khóc những người liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân” ( 1/323). Phạm Văn Đồng có thấy nét hạn chế thuộc về lịch sử ở Nguyễn Đình Chiểu, nhưng quan trọng là Phạm Văn Đồng xác định cảm hứng chủ đạo trong văn chương của nhà thơ. Ở đây việc trung với nước, trọn nghĩa với dân mà Phạm Văn Đồng sử dụng là theo nghĩa mới. Dĩ nhiên các chữ này đều xuất phát từ phạm trù của nho giáo, nhưng điều kiện lịch sử chính trị - xã hội lúc này đã khác so với thế kỉ XV thời Nguyễn Trãi. Nó cũng khác với trung, hiếu, tiết, nghĩa, trong Lục Vân Tiên – sẽ nói sau. Nét nghĩa mới của nó là gắn bó với cương vực tổ quốc, với những người “dân ấp, dân lân” tay lấm chân bùn, chứ không phải gắn với vua. Lịch sử phong kiến Việt Nam cho thấy có thời trung quân thì phải ái quốc, ái quốc là trung quân. Đó là những giai kỳ lịch sử có minh quân. Còn những khi không có minh quân thì sĩ phu, nông dân, tính đường khác cho lịch sử dân tộc. Ở thời đại mình, Nguyễn Đình Chiểu từng đau thống thiết nỗi đau Chạy Tây, nỗi đau “Bờ cõi xưa đà chia đất khác” (Xúc cảnh) do thái độ nhu nhược, đớn hèn của vua quan triều Nguyễn. Rất may, liền sau đó, lịch sử Việt Nam có một ông vua yêu nước, một số quan lại phe chủ chiến tiếp tục chống Pháp. Nhưng khi vua quan bán nước, nhân dân cùng các sĩ phu tự nguyện ra bưng biền đồng bãi đắp luỹ, xây thành chống Pháp với quan điểm dứt khoát: bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây (Nguyễn Trung Trực).

Phong trào ấy từng lớn mạnh khắp Nam bộ cuối thế kỷ XIX. Đó là cái ứng biến đẹp đẽ nhất của nhân dân trong quá trình bảo vệ cái gần nhất là “tất đất ngọn rau”, còn cái xa rộng hơn là “một mối xa thư đồ sộ”. Trong nhận xét của Phạm Văn Đồng có một điểm rất đáng lưu ý. Đó là việc Phạm Văn Đồng đưa những người nông dân “ngoài cật có một manh áo vải”, “xưa kia chỉ quen cày cuốc, bổng chốc trở thành anh hùng cứu nước” (1/323). Ta đều biết, trong cách nói văn ngôn nho giáo có quan niệm: “nhân bất học, bất tri lý”; “học giả như hoà như đạo, bất học giả như cao như thảo”. Đó  là một quy luật. Quy luật ấy không đến được với người dân tay lấm chân bùn trong xã hội phong kiến. Một quan niệm khác: anh hùng không bao giờ xuất thân từ dân “manh lệ”, tiểu nhân (đồng bãi), mà chỉ là của người quân tử. Những người anh hùng trong Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc là một quy luật khác, một quy luật mới mẻ. Mới mẻ về điều kiện để trở thành anh hùng, mới mẻ về phẩm chất yêu nước, nên những người anh hùng đó, là kỳ đài bất tử của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Nếu trong Bình Ngô đại cáo, từ quan điểm dân chủ mà nói, Nguyễn Trãi đã đưa tầng lớp nhân dân “manh lệ” lên ngang hàng với nhiều tầng lớp dân cư khác để đoàn kết,  làm nên chiến thắng và xây dựng đất nước “Muôn thuở nền thái bình vững chắc” thì trong Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Văn Đồng chính thức đánh giá những người nghĩa binh anh hùng là ngang hàng với những người anh hùng cứu nước xưa nay. Phạm Văn Đồng hiểu Nguyễn Đình Chiểu cũng như hiểu Nguyễn Trãi đều trong bối cảnh nước ta đang chống ngoại xâm ở miền Nam. Cuộc chiến đấu trường kỳ ấy, biết bao người Việt Nam đã trở thành anh hùng. Từ hiện đại nghĩ về quá khứ, tức là từ mới để hiểu cũ như vậy là nối liền mạch dòng chủ lưu yêu nước Việt Nam. Cách tiếp cận quá khứ này có ý nghĩa tích cực: góp phần động viên cuộc chiến đấu trước mắt của nhân dân ta.

Tiếp tục bàn về Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Văn Đồng nói đến truyện thơ nôm Lục Vân Tiên như là: “một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những con người trung nghĩa” (1/326). Đọc tác phẩm, Lục Vân Tiên có xoay quanh các khái niệm của nho giáo như Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa, nhưng kỳ thực không rõ ràng. Ta thấy các nhân vật chính diện có những ứng xử như là đạo lý ở đời của nhân dân, chứ không phải cái trung hiếu của người quân tử trong xã hội phong kiến. Những ứng xử ấy không phải khắc kỷ phục lễ như nho giáo, mà rất trượng phu theo kiểu “Giữa đường gặp phải bất bình chẳng tha”. Lục Vân Tiên, nhân vật chính diện trong tác phẩm nói: “Tôi xin ra sức anh hào – Cứu người cho khỏi lao đao buổi này” (LVT câu 217 – 218) (2/44). Xã hội trong tác phẩm có nhiều cái xấu, cái ác; cái tốt, cái thiện thường bị oan ức, vùi dập. Do vậy mà các nhân vật trượng phu phải đứng lên dẹp loạn, cứu nguy. Lục Vân Tiên trên đường lên kinh đã đánh bọn cướp, cứu dân khỏi hoạn nạn. Chàng cứu sống Nguyệt Nga vô tư. Hớn Minh hảo hán, thấy con tri huyện Đặng Sinh hống hách liền “bẻ đi một giò”. Làm những nghĩa cử đó, các nhân vật không mơ màng chuyện trả công. Vân Tiên và Hớn Minh cùng đi đánh giặc cứu nước, cứu dân cũng không suy tính một điều gì. Trong việc dẹp giặc cứu nước của Vân Tiên dường như chỉ là một sự sáng tạo đầy tưởng tượng cho hợp lý với người trai văn võ song toàn. Để ý, ta thấy Trang Vương cùng với tên Thái sư rắp tâm xô đẩy Nguyệt Nga đem cống cho giặc Ô Qua. Vân Tiên đi dẹp giặc Ô Qua, chẳng qua là để cuối cùng gặp lại Nguyệt Nga trong rừng mà trùng phùng đôi lứa. Như vậy, chữ Trung trong tác phẩm còn rất mờ nhạt. Chữ Hiếu có thể tìm thấy trong tình cảm thiêng liêng của Vân Tiên đối với mẹ. Còn chữ Tiết, Nghĩa có thể tìm thấy một phần ở Kiều Nguyệt Nga, Tiểu Đồng, Ông Ngư, Ông Tiều. Những ứng xử của nhân vật chính diện trong tác phẩm đúng như Phạm Văn Đồng xác định là “những đạo đức quý trọng ở đời”. Đạo đức đó hợp với lòng dân. Trong câu chuyện cuộc đời của họ, cuối cùng nhân vật nào cũng được đền bù xứng đáng. Còn bọn ác đều bị trừng trị. Phạm Văn Đồng nói: “vì những lẽ đó họ gần gũi với chúng ta” (1/326). Gần gũi với chúng ta là gần gũi với việc chúng ta đang đánh trả lại cái xấu, cái ác ở miền Nam lúc giờ.

4. Tiếp cận văn chương nhà nho với tinh thần ôn cũ hiểu mớitừ mới hiểu cũ, Phạm Văn Đồng còn góp phần tìm thấy nét mới về nguồn gốc và chức năng của văn học. Trong bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc, Phạm Văn Đồng viết: “Phong trào kháng Pháp khắp nơi sôi nổi và mạnh mẽ lúc bấy giờ ở Nam bộ, làm nẩy nở nhiều nhà văn, nhà thơ, tài năng xuất chúng, bản lĩnh phi thường, mà tác phẩm là những bông hoa của một thời buổi oanh liệt và đau thương” (1/327). Ở đây, có vấn đề nguồn gốc hình thành nhà văn và nội dung khái quát của tác phẩm. Hiện thực chống Pháp và những tác phẩm ưu tú phản ánh hiện thực chống Pháp đã cắt nghĩa cho nguồn gốc hình thành nhà văn và nội dung tác phẩm của nó. Đây là một vấn đề có ý nghĩa nguyên tắc mà đời sau xem là vấn đề của lý luận văn học. Nhiều quan điểm, quan niệm trong Từ trong di sản và những quan điểm của Lê Thánh Tông đối với việc sáng tác của Nhị thập bát tú đều ít nhiều có nói đến nguồn gốc và chức năng của văn thơ, nhưng tính cụ thể như nguồn gốc và chức năng của văn học trung đại Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mà Phạm Văn Đồng nhận xét ở đây là không giống nhau. Phạm Văn Đồng viết: “Sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Trãi là một bài ca yêu nước và tự hào dân tộc” (1/319) là đã chỉ ra đề tài, chủ đề, nội dung cảm hứng của thơ văn Nguyễn Trãi, tức cũng là một vấn đề của lý luận văn học. Cũng như thế, Phạm Văn Đồng viết: “thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là thơ văn chiến đấu, đánh thẳng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của nó” (1/321). Phạm Văn Đồng  đồng thời cũng nhắc đến hai câu thơ trong bài Than đạo của Nguyễn Đình Chiểu:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà

Cái đạo của Nguyễn Đình Chiểu ở đây là cái đạo đã khác, chứ không phải cái đạo thánh hiền của nho giáo. Nhà thơ tự cách tân nội dung của cái đạo ngay trong chức năng của nó. Đó là đạo yêu nước, thương dân, chống Pháp, chống Việt gian. Phạm Văn Đồng  gọi đó là “một thiên chức” trong việc viết văn làm thơ của Nguyễn Đình Chiểu và Phạm Văn Đồng đánh giá: “Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá và tư tưởng” (1/327). Nghiên cứu văn học vô sản thế giới, từ 1905, khi Cách mạng tháng 10 Nga chưa thành công, Lênin đã viết bài: “Tổ chức Đảng và văn học có tính đảng”. Nguyễn Ái Quốc trên hành trình cứu nước đã nhận ra văn học nghệ thuật có thể giúp ích cho công tác tuyên truyền cách mạng. Đến 1951, Hồ Chí Minh chính thức gởi thư cho hoạ sĩ Nam bộ nói các hoạ sĩ đều là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá. Không chỉ xác lập quan điểm nghệ sĩ cũng là chiến sĩ, mà Hồ Chí Minh còn sáng tác thơ ca động viên công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Như vậy, việc nhận ra và khẳng định của Phạm Văn Đồng đối với sứ mệnh của văn học nghệ thuật là phù hợp với quan điểm đường lối văn hoá văn nghệ của cách mạng. Nhìn lại vấn đề này trong tương quan với phong trào sáng táng văn học nghệ thuật của Việt Nam ở đầu những năm 60 của thế kỷ XX là rất cần thiết. Nó trở thành nguồn động viên đối với những người làm công tác văn hoá, văn nghệ sĩ, trí thức trong việc sử dụng văn học nghệ thuật để góp phần vào sự nghiệp cách mạng nói chung.

5. Từ cơ sở những dẫn biện nói trên, có thể đi đến một số kết luận về cách tiếp cận văn học nhà nho của Phạm Văn Đồng.

5.1. Trước hết, trong số rất nhiều nhà nho, ông quan có làm thơ văn trong thời trung đại, Phạm Văn Đồng  chỉ chọn hai danh nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu là chọn đúng hai nhà văn nhà thơ tiêu biểu của một vấn đề có ý nghĩa cấp thiết đối với tình hình chính trị - xã hội ở Việt Nam những năm 1962, 1963. Đó là thơ văn của Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, dù cách xa nhau hơn năm sáu thế kỷ, nhưng đều tập trung, thống nhất nói đến việc yêu nước, thương dân, đấu tranh chống xâm lược để bảo vệ đất nước và hạnh phục của nhân dân. Đây là cách tiếp cận đúng đối tượng cần nghiên cứu. Kinh nghiệm nghiên cứu cho thấy việc chọn đúng đối tượng để nghiên cứu có ý nghĩa to lớn trong quá trình triển khai các luận điểm, tìm luận cứ, cũng như những biện giải cho mục đích nghiên cứu.

5.2. Nhân bàn luận, khẳng định vấn đề cấp thiết nói trên, Phạm Văn Đồng góp phần nhận ra nét mới về nguồn gốc và chức năng của văn học. Đó là đội ngũ nhà văn cũng như tác phẩm của họ đều xuất phát và trường thành từ cuộc sống thực tế của nhân dân. Điều này có sự thống nhất giữa văn hoá – văn học quá khứ với văn hoá – văn học hiện đại. Có như vậy, nội dung văn học nghệ thuật mới phù hợp với tâm lý thưởng thức của nhân dân. Việc nhận ra vấn đề nguồn gốc và chức năng của văn học trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, xem như Phạm Văn Đồng đã gợi ý cho giới văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam lúc bấy giờ trong việc chọn đề tài, cảm hứng để sáng tạo.

5.3. Hai bài viết về Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu của Phạm Văn Đồng rất ngắn ngọn, được công bố liền trong hai năm 1962,1963. Thao tác nghiên cứu khoa học của Phạm Văn Đồng không phải nghi ngờ, nhưng cách thức của Phạm Văn Đồng  là vừa phân tích vừa khái quát, phân tích ít khái quát nhiều. Con đường của khái quát vốn phải đi từ phân tích, nhưng có khi Phạm Văn Đồng không sa vào phân tích chi tiết, mà vẫn đi đến khái quát. Điều tin cậy là những khái quát của Phạm Văn Đồng  đều đúng. Không những đúng, mà còn mới mẻ. Điều đó chứng tỏ “hàng trăm cuốn sách và tập tài liệu” do Trần Việt Phương và cộng sự cung cấp đã được Phạm Văn Đồng  thẩm thấu đến một độ chín nhất định mới có thế khái quát như vậy.

5.4. Ông cha nói: ôn cố tri tân, Phạm Văn Đồng nói thêm: từ mới hiểu cũ. Quan niệm này cần thiết không phải chỉ vì chúng ta không thể cắt đứt với những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, mà còn cần nối kết tổ tiên với hiện đại – một thời đại đang tiếp tục lý tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do” như Hồ Chí Minh đã nói. Thời đại đó luôn cần sức mạnh từ truyền thống. Cũng trong giá trị văn hoá văn học truyền thống được nói ở đây, có vấn đề chữ viết, nhất là đối với văn thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi. Đây là một vấn đề khác, nhưng thơ văn chữ Hán – một sản phẩm của văn hoá nho giáo được Phạm Văn Đồng  tiếp cận như vậy là có ích nước, lợi nhà trong thời hiện đại.

Các nhà lập quốc thời hiện đại của Đảng cộng sản Việt Nam góp phần lập quốc theo cách riêng của mình. Phạm Văn Đồng là một trong số ít những người lập quốc ấy am hiểu về văn hoá giáo dục và văn học nghệ thuật. Trên bình diện này, Phạm Văn Đồng đã có phương pháp riêng để chăm lo đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, văn nghệ sĩ, trí thức. Còn nhiều việc của quốc dân sau thời đại của ông mới được điều chỉnh để phát triển, nhưng những điều ông làm được như đã nói trên cũng như những điều ông đã làm được mà không nói ở đây là rất đáng trân trọng. 

Nghĩa Hành – Quảng Ngãi, tháng 2 năm 2014

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Văn Đồng, Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, Nxb Văn học, HN 1973, in lần thứ 2.

2. Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Nxb Văn học giải phóng, 1976.

3. Trần Ngọc Vương, nhà nho tài tử và Văn học Việt Nam Nxb Giáo dục 1995.

4. Trần Đình Hượu, Các bài giảng về tư tưởng phương Đông (Lại Nguyên Ân biên soạn), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2001.

5. Phạm Văn Đồng, người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi Nxb chính trị Quốc gia, HN 2001.

6. Nguyễn Đăng Na (chủ biên), Lã Nhâm Thìn, Đinh Thị Khang, Văn học trung đại Việt Nam T1, Nxb ĐHSP 2005. Giáo trình Văn học Việt Nam trung đại T2, NXB Đại học sư phạm 2007.

7. Nguyễn Đăng Na (chủ biên)… Giáo trình Văn học Việt nam trung đại T2, Nxb ĐHSP 2007.

(Bài đã in trong Kỷ yếu hội thảo Phạm Văn Đồng với văn hóa dân tộc, Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi in năm 2014).

 

 
Các tin khác liên quan :

      Phát triển đội ngũ GV các trường ĐH, CĐ mới thành lập 10:28 04/08/2017 [1485]


      ĐỔI MỚI QUAN NIỆM VỀ HIỆN THỰC TRONG SÁNG TÁC CỦA PHẠM THỊ HOÀI 09:06 14/05/2016 [1544]


      SỬ DỤNG TEST CSI ĐỂ KHẢO SÁT KỸ NĂNG ỨNG PHÓ VỚI STRESS CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHẠM VĂN ĐỒNG - QUẢNG NGÃI 16:01 13/05/2016 [1473]


      KỸ NĂNG SỐNG CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHẠM VĂN ĐỒNG - QUẢNG NGÃI 15:45 13/05/2016 [1476]


      MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM PHÊ BÌNH THƠ CỦA PHAN KHÔI TRONG CHƯƠNG DÂN THI THOẠI 15:35 13/05/2016 [1474]


      CẢNH QUAN PHONG THUỶ TRONG KIẾN TRÚC TÍN NGƯỠNG Ở LÀNG XÃ QUẢNG NGÃI 20:29 18/04/2016 [1475]


      NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KỸ NĂNG SỐNG CỦA HỌC SINH, SINH VIÊN 21:36 11/04/2016 [2548]



 Thông báo
 
 Mẫu kê khai công việc năm học 2019 - 2020
 Mẫu bản kiểm điểm đảng viên 2019
 Mẫu phiếu đánh giá, phân loại CBVC năm học 2018 - 2019
 Thư ngỏ của chi đoàn CBGV về việc tổ chức hoạt động Vui tết thiếu nhi tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Hồng Sơn
 Thông báo tổ chức Hội thảo khoa học cấp khoa năm 2019.
 Mẫu cam kết học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2019
 Thông báo kê khai công việc thực hiện trong HK I (2018-2019)
 Thông báo họp mặt đầu năm Kỷ Hợi
 Bài thu hoạch học tập Nghị quyết TW 8, khóa XII (tham khảo)
 Mẫu bản kiểm điểm cá nhân của đảng viên

 Tin quan trọng
 
 TKB học kì II, năm học 2024 - 2025 (từ ngày 09.12.2024)
 Chuẩn đầu ra CTĐT (cập nhật năm 2022)
 TKB học kì I, năm học 2023 - 2024 (từ ngày 07.8.2023)
 Thông báo về việc đăng ký học phần học kì I, năm học 2023 - 2024
 Triết lý giáo dục của khoa Sư phạm Xã hội
 Khoa Sư phạm Xã hội tổ chức buổi chia tay thầy Nguyễn Đăng Động về nghỉ hưu
 Khoa Sư phạm Xã hội tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam
 Khoa Sư phạm Xã hội tổ chức lễ kết nạp Đảng cho 2 đoàn viên ưu tú
 Mẫu kê khai công việc năm học 2019 - 2020
 Công đoàn khoa Sư phạm Xã hội tổ chức Ngày Quốc tế thiếu nhi

 Tin đọc nhiều nhất
 
 Thông báo về việc đăng ký học phần học kì I, năm học 2023 - 2024
 Lịch công tác khoa SP Xã hội tuần thứ 24,năm học 2019-2020 (từ 30/12/2019 đến 05/01/2019)
 Khoa Sư phạm Xã hội tổ chức Họp mặt kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2019)
 Thư ngỏ của chi đoàn CBGV về việc tổ chức hoạt động Vui tết thiếu nhi tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Hồng Sơn
 Công văn tuần 43 (từ 13/5 đến 19/5/2019)
 Lịch công tác khoa SP Xã hội tuần thứ 44,năm học 2018-2019 (từ 20/5/2019 đến 26/5/2019)
 Thông báo tổ chức Hội thảo khoa học cấp khoa năm 2019.
 Hoạt động tình nguyện Đông ấm áp- xuân yêu thương 2019 của LCĐ SPXH tại Trường TH và THCS Ba Lế, Ba Tơ
 Thời khóa biểu khoa Sư phạm Xã hội HK II, năm học 2018 - 2019 (Áp dụng từ ngày 21/01/2019)
 Thời khóa biểu khoa Sư phạm Xã hội HK II, năm học 2018 - 2019 (Áp dụng từ ngày 14/01/2019)