Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài Khoa học và Công nghệ cấp cơ sở “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo Robot cá quan trắc môi trường phục vụ đào tạo, nghiên cứu tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng”

Sáng ngày 05/7/2024, Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài Khoa học và Công nghệ cấp cơ sở“Nghiên cứu thiết kế và chế tạo Robot cá quan trắc môi trường phục vụ đào tạo, nghiên cứu tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng”do TS. Phạm Văn Anh, giảng viên Khoa Kỹ thuật công nghệ làm Chủ nhiệm.
Thành phần tham dự gồm có: Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả đề tài Khoa học và Công nghệ cấp cơ sở (Theo Quyết định số 218/QĐ-ĐHPVĐ ngày 06/6/2024); Chủ nhiệm đề tài, cán bộ tham gia; các giảng viên thuộc Khoa Kỹ thuật công nghệ tham dự.
Quảng Ngãi là một tỉnh có hệ thống nhiều sông, hồ và bờ biển dài. Do đó phát triển kinh tế đi kèm với bảo vệ môi trường nước cũng như các loài thủy sinh là một nhiệm vụ rất quan trọng trong định hướng phát triển nền kinh tế xanh. Sử dụng các công cụ trong quan trắc môi trường nước như robot thông minh là một công cụ nhanh và hiệu quả về chi phí, an toàn cho người vận hành sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu, cơ quan bảo vệ môi trường và các doanh nghiệp về nuôi trồng thủy hải sản có được cái nhìn khách quan về thực trạng môi trường nước hiện tại để từ đó tìm ra các giải pháp phù hợp.
Tại buổi nghiệm thu, Chủ nhiệm đề tài đã báo cáo tóm tắt kết quả nội dung nghiên cứu đề tài. Sau 18 tháng thực hiện, đề tại đã hoàn thành tốt các nội dung nghiên cứu như:
- Đề xuất được một bản thiết kế robot cá ở dạng mô đun, cho phép có thể thay thế, điều chỉnh phục vụ cho nghiên cứu sâu hoặc đơn giản là phục vụ học tập- thực hành điều khiển.
- Mô hình hóa động học và động lực học được xây dựng cho chuyển động robot với mô đun đẩy tạo ra chuyển động quay các bánh răng và thanh trượt.
- Thiết kế lập trình mở với việc sử dụng 3 kiểu mô đun vi điều khiển 32 bit: Tiva, Arduino mini Zero/M0 và ESP8266-12E.
- Chế tạo được phần cứng robot dưới nước với lớp vỏ được gia cường bằng sợi carbon.

TS. Phạm Văn Anh- báo cáo tóm tắt kết quả nội dung nghiên cứu đề tài
Đề tài được thực hiện đúng tiến độ, có giá trị khoa học cả về lý luận và thực tiễn. Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu đề tài cũng đã thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế đồng thời đưa ra một số góp ý để Chủ nhiệm tiếp tục hoàn thiện đề tài được tốt hơn. Đồng thời yêu cầu Chủ nhiệm đề tài phát huy những kết quả nghiên cứu đã đạt được, tiếp thu những ý kiến của các thành viên trong Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện đề tài. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được Hội đồng thông qua và đánh giá xếp loại “Đạt”.
Một số hình ảnh tại buổi nghiệm thu

Đánh giá sản phẩm trong quá trình nghiệm thu đề tài

Đánh giá sản phẩm trong quá trình nghiệm thu đề tài

Các thành viên Hội đồng góp ý hoàn thiện kết quả nghiên cứu của đề tài