Sáng ngày 31/3/2023, liên chi đoàn Khoa Kinh tế thăm khu di tích lịch sử Khu sà lim của ty công an thời Mỹ - Nguỵ (1955 - 1959), số 71 Hùng Vương, TP Quảng Ngãi.
Như lời chú Lê Hoàng, Phó Chủ tịch hội cựu tù yêu nước của tỉnh Quảng Ngãi đã nói: “Thế hệ các chú là những người truyền lửa, mong muốn các cháu biết về lịch sử và truyền thống quê hương để giữ mãi ngọn lửa của người Quảng Ngãi”, hôm nay, các đoàn viên thanh niên Liên chi đoàn Khoa Kinh tế đã đến thăm di tích Khu xà lim của Ty Công an thời Mỹ- Ngụy (giai đoạn 1955-1959) ở số 71- đường Hùng Vương, TP.Quảng Ngãi để biết thêm về chứng tích của một thời kỳ đau thương và hùng tráng mà nhân dân Quảng Ngãi đã trải qua.
Tại đây, các bạn đã được nghe chú Lê Hoàng giới thiệu về lịch sử và cấu trúc cũng như chức năng của khu xà lim. Giai đoạn 1955 – 1959, những cán bộ cách mạng cốt cán, được cử nằm vùng tại các xã, huyện trong tỉnh và từ Sài Gòn đã bị ngụy quyền tổ chức bố ráp, bắt bớ và đàn áp dã man, đưa về nơi đây để tra tấn, sau đó đày ra Côn Đảo hoặc Phú Quốc. Khu xà lim xưa bao gồm phòng hỏi cung, phòng căn cước, phòng nhốt tù và 5 ô xà lim nhốt tù trong thời gian hỏi cung và biệt giam những tù nhân quan trọng để hành hạ thể xác và tinh thần. Những ô xà lim này rất chật hẹp và thiếu ánh sáng. Đối với những tù nhân mà chúng cho là “nguy hiểm” thì cho giam riêng từng ô, gọi là biệt giam.
Mặc dù khu di tích đã bị thu hẹp, các dụng cụ tra tấn đều không còn khi nhà lao dời đi đến nơi khác, nhưng nhờ sự nỗ lực tìm kiếm minh chứng và tinh thần bảo tồn lịch sử của UBND tỉnh Quảng Ngãi, khu xà lim đã được phục dựng vào tháng 5.2014, và hiện nay, việc phục dựng 2 xà lim, phòng tra khảo và các phòng trưng bày đã hoàn thành. Nhờ đó, các bạn đoàn viên tìm hiểu được sự khổ cực của các cô, các chú, các bác cựu tù khi bị giam trong “chuồng cọp” chật hẹp, hay cảm nhận được những biện pháp tra tấn man rợ, vô nhân tính của bọn ngụy quyền qua lời kể, hình ảnh của nhân chứng lịch sử. Tuy vậy, trong những gian lao, khổ đâu ấy, những người cộng sản chân chính vẫn hiên ngang, nêu cao khí tiết cách mạng, không nao núng, không đầu hàng trước kẻ thù hung ác.
Rời khỏi Khu di tích, hầu hết các bạn đoàn viên đều có những tâm trạng và thổn thức. Có bạn đã chia sẻ: "Em ở đây mà lại chưa từng biết đến nơi này, chưa từng biết đến chứng tích của một thời khốc liệt, em cảm thấy có lỗi quá". Có lẽ, không chỉ riêng bạn ấy mà nhiều người trong chúng ta chỉ nhìn thấy vẻ hào nhoáng, sầm uất của những cửa hàng, khách sạn trên con đường Hùng Vương mà quên đi một góc nhỏ tĩnh lặng. Nhưng không sao, chỉ cần các thế hệ đoàn viên thanh niên muốn biết, muốn hiểu lịch sử dân tộc, lịch sử quê hương thì sẽ luôn còn những người truyền lửa và giữ lửa cho chúng ta


Hoài Thương (LCĐ Kinh tế) - Ngày 31/3/2023