Theo nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu giáo dục, trong những năm qua giáo dục phổ thông ở nước ta đã đạt nhiều kết quả nổi bật, quy mô giáo dục không ngừng được tăng lên; chất lượng giáo dục đã có những chuyển biến tích cực; các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kĩ thuật không ngừng được củng cố, tăng cường và phát huy có hiệu quả; chủ trương xã hội hóa giáo dục đang phát huy tác dụng và đã góp phần quan trọng làm cho giáo dục thực sự trở thành sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; công bằng giáo dục được quan tâm thực hiện ...
Cũng theo nhiều nhà nghiên cứu giáo dục thì giáo dục nước ta vẫn còn có một số tồn tại, cần từng bước khắc phục. Đó là chất lượng giáo dục tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước; cơ cấu giữa các cấp học, bậc học, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu xã hội và cơ cấu vùng miền trong hệ thống giáo dục còn chưa hợp lí; đội ngũ giáo viên còn bất cập về số lượng, chất lượng và cơ cấu; cơ sở vật chất kĩ thuật vẫn chưa thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu ...
Chúng tôi cũng đồng ý với những nhận định trên. Với trách nhiệm của người giáo viên vật lí trực tiếp đứng lớp giảng dạy ở trường trung học phổ thông nhiều năm, chúng tôi quan tâm nhiều đến chất lượng học tập của học sinh, đến suy nghĩ, tâm tư tình cảm của học sinh đối với bộ môn của mình, quan tâm nhiều đến việc đổi mới phương pháp dạy học sao cho chất lượng dạy và học vật lí của thầy trò chúng tôi đạt được hiệu quả tốt nhất trong những điều kiện hiện có.
Xuất phát từ những mối quan tâm ấy, chúng tôi xin được trao đổi một thực tế - một thực trạng đáng buồn, đó là sự yếu kém đến khó tưởng tượng của đại đa số học sinh phổ thông hiện nay trong việc vận dụng kiến thức vật lí đã học vào thực tế cuộc sống của chính mình. Trăn trở với thực tế nêu trên, chúng tôi cũng xin mạnh dạn được nêu ra những nguyên nhân và một số giải pháp nhằm phần nào cải thiện thực trạng trên, có thể những giải pháp này còn mang tính rời rạc chưa có tính hệ thống, song theo chúng tôi, nó có thể áp dụng một cách linh hoạt tùy vào điều kiện của mỗi địa phương, mỗi nhà trường trong giai đoạn hiện nay.
I. THỰC TRẠNG VỀ VẤN ĐỀ VẬN DỤNG KIẾN THỨC VẬT LÍ VÀO THỰC TẾ ĐỜI SỐNG CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG HIỆN NAY
Chương trình Vật lí trung học phổ thông ở nước ta hiện nay (thể hiện thông qua nội dung sách giáo khoa của các lớp 10, 11 và 12) bao gồm nhiều phần khác nhau như cơ học, nhiệt học, điện học (điện một chiều, điện xoay chiều và dao động điện từ), quang học (quang hình, các dụng cụ quang học và quang lí), vật lí phân tử và hạt nhân. Mỗi phần được thể hiện bằng nhiều đơn vị kiến thức khác nhau, tương ứng với các cách tiếp cận kiến thức khác nhau [2].
Những tưởng rằng, với một khối lượng kiến thức đồ sộ như vậy, thực tế cuộc sống của các em sẽ vô cùng phong phú, các em hoàn toàn có khả năng làm chủ được kiến thức của mình, việc vận dụng kiến thức của các em trong đời sống thức tế ở chính gia đình của mình, việc giải thích những hiện tượng xảy ra hàng ngày xung quanh các em chỉ là “vấn đề đơn giản” ... Nhưng điều đó đã không diễn ra trên thực tế như những gì chúng ta mong đợi.
Sau khi học xong chương trình vật lí lớp 10, nhiều học sinh còn ngỡ ngàng khi cầm chiếc đồng hồ bấm giây trên tay, các em không biết phải điều chỉnh thế nào, thậm chí nhiều em còn chưa biết cả tác dụng của nó. “Phát hiện” này thật bất ngờ khi tác giả của nó là một số giáo viên thể dục khi sử dụng loại đồng hồ này trong một tiết dạy thể dục!
Với kiến thức về các dạng chuyển động, các lực cơ học, ở trên lớp các em có thể viết một cách đầy đủ và chính xác các phương trình của chuyển động thẳng đều, chuyển động thẳng biến đổi đều, đọc đúng những định nghĩa về vận tốc, gia tốc, các khái niệm về chuyển động cong, chuyển động tròn đều, các định luật Niutơn ... Thế nhưng, với những câu hỏi đại loại như: “Lấy thêm một số thí dụ trong thực tế về chuyển động thẳng đều, về chuyển động nhanh dần, về chuyển động chậm dần”, cũng thực sự làm cho các em lúng túng. Nhiều học sinh còn không thể giải thích được những hiện tượng rần gần gũi với đời sống: Tại sao khi đi xe máy dưới trời mưa, ta lại có cảm giác những giọt nước mưa không rơi theo phương phẳng đứng mà theo phương xiên (trong điều kiện không có gió), hắt cả vào mặt, vào mắt của ta? hay tại sao những vận động viên đua xe máy phải nghiêng xe nhiều đến vậy khi phải qua những chỗ đường vòng?...
Các kiến thức vật lí về tĩnh học lẽ ra phải là một trong các cơ sở tốt nhất để các em vận dụng vào thực tiễn, nhưng điều đó dường như vẫn còn “xa vời” đối với các em. Quan sát người thợ sửa xe ô tô dùng một chiếc ống nước dài khoảng nửa mét tròng vào cán của chiếc cờlê rồi cầm ở đầu bên kia mà mở một chiếc ốc để lấy bánh xe ôtô ra ngoài, chắc hẳn vẫn còn là một “điều lạ” đối với một bộ phận học sinh hiện nay! Tương tự như thế, chắc hẳn kiến thức về các các định luật bảo toàn đối với học sinh phổ thông hiện nay có lẽ vẫn chỉ là nội dung các định luật, cách giải các bài tập, ... chúng còn “nằm yên” một cách khiêm tốn trên những trang vở, chúng tôi có cảm giác vẫn còn thiếu một cái gì đó để có thể “đánh thức” chúng dậy, làm cho chúng trở thành một trong những hành trang tốt trong cuộc sống của mỗi học sinh.
Đối với học sinh lớp 11 và lớp 12, kiến thức vật lí mà các em lĩnh hội được trên lớp học ngày càng nhiều, nội dung ngày càng phong phú cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Với chương trình hiện nay, chẳng hạn phần lí thuyết về điện học (cả điện xoay chiều lẫn điện một chiều) kết hợp với những yêu cầu bắt buộc của các bài thí nghiệm thực hành, theo chúng tôi là tương đối hợp lí, đáp ứng được nhiều yêu cầu thực tiễn. Thế nhưng trên thực tế, liệu có bao nhiêu vị phụ huynh dám giao cho con mình tự đi mua một đoạn dây chì để thay cho đoạn dây chì đã bị đứt ở nhà? Bao nhiêu em có thể tự mình lắp được bộ đèn nêôn (gồm bóng đèn, tăng phô, chuột)? ... Với các em, việc đấu nối được một chiếc công tắc đèn bàn sao cho khi bật phía nọ thì đèn sáng, bật phía kia thì đèn tắt, có lẽ đó cũng đã là một kì công rồi. Những điều đó thật đáng để chúng ta suy ngẫm.
Chúng tôi cũng đã trao đổi vấn đề này với nhiều đồng nghiệp ở một số địa phương khác nhau, hầu như họ cũng có nhận định như vậy, thậm chí nhiều giáo viên giảng dạy ở khu vực nông thôn, miền núi cho biết thực trạng trên còn có thể xấu hơn.
Trăn trở với thực trạng đáng buồn trên, chúng tôi đã thử đi tìm đâu là những nguyên nhân cơ bản của vấn đề và những nguyên nhân ấy bộc lộ dưới những hình thức nào?
II. MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN CƠ BẢN
Theo chúng tôi, nguyên nhân cơ bản và là nguyên nhân khách quan đầu tiên phải kể đến, là sự quá tải của chương trình. Nội dung kiến thức trong phần lớn các bài học là quá nhiều, không thích ứng với thời gian quy định của mỗi tiết học.
Thực tế giảng dạy cho thấy, với thời gian 45 phút của một tiết học, nếu chỉ sử dụng một cách “tiết kiệm” nhất: 2 phút để ổn định lớp, 5 phút để kiểm tra bài cũ (chủ yếu là kiểm tra những kiến thức rất cơ bản), 3 phút để củng cố bài (thực chất chỉ đủ để nhắc lại những kiến thức chính vào cuối tiết học) thì thời gian còn lại chỉ là 35 phút dành cho thầy và trò tiến hành các hoạt động nhận thức của bài học. Trong khoảng thời gian này, với nội dung kiến thức tương đối nhiều, việc làm cho học sinh hiểu được kiến thức bài học thôi cũng đã là khó khăn, giáo viên không còn đủ thời gian để liên hệ kiến thức mà học sinh vừa lĩnh hội được với thực tế đời sống, hoặc nếu có liên hệ được thì cũng chỉ dưới hình thức liệt kê tên gọi của các sự vật, hiện tượng mà thôi.
Nguyên nhân thứ hai là việc giảng dạy kiến thức cho học sinh nói chung và kiến thức vật lí nói riêng ở nhiều trường vẫn còn tiến hành theo lối “thông báo - tái hiện”, với tâm lí ngại cho học sinh tiếp xúc với thí nghiệm vì sợ học sinh làm hư hỏng, gây phiền toái, điều này là tương đối phổ biến ở các trường trung học phổ thông, làm cho học sinh phổ thông có quá ít điều kiện để nghiên cứu, quan sát và tiến hành các thí nghiệm vật lí. Nhiều trường chưa có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề đổi mới phương pháp dạy học. Do những khó khăn nhất định về kinh phí, cơ sở vật chất, thiết bị mà nhiều trường trung học phổ thông đã chưa khuyến khích được giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, không tạo được cho họ những điều kiện tốt để có thể sử dụng các hình thức dạy học tiên tiến (sử dụng các phương tiện dạy học như tranh ảnh tự làm, tự sưu tầm, máy tính, thực hiện các tiết học bằng bài giảng điện tử ...) và do đó lối “dạy chay” vẫn là cách dạy học ngự trị ở nhiều trường trung học phổ thông hiện nay.
Nguyên nhân thứ ba thuộc về chủ quan của mỗi giáo viên đứng lớp, nhiều giáo viên chưa có sự chuẩn bị tốt nhất cho bài giảng, giáo án còn thiên về cung cấp kiến thức giáo khoa một cách thuần túy, chưa coi trọng việc soạn và sử dụng bài giảng theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức của học sinh, điều này làm cho học sinh khá thụ động trong việc lĩnh hội và vận dụng kiến thức. Cũng phải thừa nhận rằng, nhiều địa phương hiện nay còn thiếu các tài liệu liên quan đến bài tập định tính và câu hỏi thực tế, thiếu các phương tiện nghe nhìn, thiếu các thông tin dưới dạng băng đĩa hình, thiếu các tài liệu lí luận về đổi mới phương pháp dạy học, nhất là các trường ở vùng nông thôn và miền núi. Điều đó gây không ít khó khăn cho giáo viên khi xây dựng bài giảng theo ý muốn của mình.
Nguyên nhân thứ tư không thể không nhắc tới là cách kiểm tra đánh giá hiện nay. Theo một số nhà nghiên cứu giáo dục thì quá trình kiểm tra đánh giá ở trường trung học phổ thông hiện nay còn khá đơn giản, phương pháp và hình thức đánh giá còn tùy tiện, toàn bộ việc đánh giá của giáo viên chỉ quy về điểm số [4]. Đối với môn vật lí, một vấn đề đang được quan tâm hiện nay là kiểm tra đánh giá thông qua thí nghiệm cũng còn nằm trong giai đoạn thử nghiệm. Nội dung các bài thi và kiểm tra ở nhiều trường phổ thông chủ yếu tập trung vào nội dung kiến thức mà chưa có những câu hỏi mang tính vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đây chính là một “khe hở” khá rộng, một nguyên nhân khá rõ để giải thích cho thực trạng nêu trên.
Với những kì thi cao nhất đối học sinh là thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển vào đại học, nội dung các đề thi trong nhiều năm trước đây chủ yếu cũng là nội dung kiến thức giáo khoa và vận dụng kiến thức để giải các bài tập định lượng. Một số năm gần đây, nội dung đề thi đã có những thay đổi tích cực, tuy nhiên theo chúng tôi “tính thực tiễn” vẫn chưa thể hiện rõ nét trong nội dung mỗi đề thi.
Giải quyết thực trạng trên như thế nào? đó là một vấn đề khó. Như đã nêu trên, chúng tôi chỉ xin đưa ra một số giải pháp mang tính đơn lẻ, mong rằng những giải pháp này có thể giúp ích cho chúng ta cải thiện được ít nhiều thực trạng trên.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP
* Thứ nhất, vấn đề giảm tải chương trình, đổi mới nội dung và cách viết sách giáo khoa cần phải được quan tâm đúng mức.
Thông qua việc nghiên cứu chương trình sách giáo khoa vật lí mới cấp trung học cơ sở (lớp 6, 7, 8, 9) và sách giáo khoa vật lí thí điểm trung học phổ thông ban khoa học tự nhiên (lớp 10, 11, 12), một tín hiệu đáng mừng là nội dung kiến thức đã được giảm tải khá nhiều so với nội dung sách giáo khoa cũ, các đơn vị kiến thức được trình bày theo hướng coi trọng vai trò của phương tiện dạy học và gắn liền với thực tiễn. Nội dung chính của bài học được thể hiện dưới các hình thức như cung cấp tư liệu, các thông tin cần tìm kiếm (dưới dạng kênh chữ và kênh hình); các giải pháp dẫn dắt học sinh xử lí và tìm kiếm thông tin (hệ thống các câu hỏi dẫn dắt, hệ thống các bài tập định tính và định lượng, một số thí nghiệm không quá phúc tạp ...) để tiếp cận tri thức [2]. Với cách trình bày kiến thức giáo khoa như vậy, tạo cho học sinh giải quyết được các tình huống theo hướng tích cực hoá hoạt động nhận thức, học sinh có điều kiện được suy nghĩ nhiều hơn, làm việc nhiều hơn và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cũng linh hoạt hơn.
* Thứ hai, việc đổi mới phương pháp dạy học cần phải được tiến hành rộng khắp, các hình thức dạy học theo lối “thông báo - tái hiện”, “dạy chay” cần phải từng bước xoá bỏ, thay vào đó là các phương pháp dạy học mới, hiện đại hơn.
Xu hướng dạy học mới hiện nay là dạy học theo hướng phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh. Theo đó:
- Nội dung dạy học phải mới, cái mới ở đây không phải là quá xa lạ với học sinh, cái mới phải liên hệ và phát triển từ cái cũ, kiến thức phải có tính thực tiễn, gần gũi với sinh hoạt, với suy nghĩ hàng ngày, thoả mãn nhu cầu nhận thức của học sinh.
- Cần phối hợp tốt nhiều phương pháp như nêu vấn đề, thí nghiệm, thực hành, so sánh,.. kiến thức phải được trình bày trong dạng động.
- Sử dụng phối hợp tốt các phương tiện dạy học. Sử dụng nhiều hình thức dạy học khác nhau như làm việc theo nhóm, tham quan, làm việc trong phòng thí nghiệm, ...
- Kích thích tính tích cực qua thái độ, cách ứng xử giữa thầy giáo và học sinh. Giáo viên, bạn bè thường xuyên động viên, khen thưởng khi học sinh có thành tích học tập tốt.
- Luyện tập dưới nhiều hình thức khác nhau, vận dụng kiến thức vào những tình huống mới của thực tiễn. Phát triển kinh nghiệm sống của học sinh trong học tập.
Đặc biệt, vật lí học là một môn khoa học thực nghiệm, bởi vậy đòi hỏi giáo viên bộ môn phải tăng cường việc sử dụng thí nghiệm và các phương tiện trực quan trong quá trình dạy học. Điều đó là một yếu tố mang tính đột phá đối với chiến lực đổi mới phương pháp dạy học hiện nay [3]. Trong dạy học vật lí, người giáo viên cần phát huy tính tích cực của học sinh bằng cách tạo nhu cầu hứng thú, kích thích tính tò mò, ham hiểu biết của học sinh; xây dựng lôgic nội dung phù hợp với đối tượng học sinh; tập dượt để học sinh giải quyết vấn đề nhận thức bằng phương pháp nhận thức của vật lí; rèn luyện cho học sinh kĩ năng thực hành; rèn luyện ngôn ngữ vật lí và cách diễn đạt ngôn ngữ vật lí cho học sinh. Có như thế, vấn đề vận dụng kiến thức vào thực tiễn của học sinh sẽ được phát huy tối đa.
* Thứ ba, cần có những đổi mới tích cực trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh.
Theo chúng tôi, đây là giải pháp có thể thực hiện được ngay ở các trường phổ thông, thậm chí ở cả các đề thi tốt nghiệp, nó sẽ có tác dụng rất lớn trong nhận thức và phương pháp học tập của học sinh. Giải pháp này có thể thực hiện một cách đơn giản bằng cách sử dụng thêm bài tập tịnh tính hay câu hỏi thực tế ở phần cuối của đề kiểm tra hay đề thi. Như thế, với tỉ lệ điểm số không cần lớn lắm trong bài kiểm tra ta vẫn có thể đưa việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn thành một trong những mục tiêu của quá trình học tập của học sinh.
Những giải pháp kể trên liên quan đến rất nhiều vấn đề, tuy nhiên sự thành công trong mỗi giải pháp phụ thuộc rất lớn vào yếu tố con người. Chúng tôi hi vọng rằng, nếu có được sự quan tâm lớn của các cấp quản lí giáo dục, nếu có được sự nỗ lực của mỗi thầy cô giáo, thì việc khắc phục thực trạng trên chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.
TS Nguyễn Thanh Hải
Khoa Cơ Bản - ĐH Phạm Văn Đồng