C. KẾT LUẬN
Có thể nói rằng, vấn đề đổi mới PP DH được thể hiện khá cụ thể bằng các nghị quyết của Đảng, các chỉ thị của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Để thực hiện việc đổi mới PPDH ở các trường phổ thông hiện nay có hiệu quả, cần chú ý những điểm sau:
Thứ nhất, bám sát các định hướng đổi mới PPDH thông qua các Nghị quyết của Đảng, các chỉ thị của Bộ Giáo dục và đào tạo theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức của HS, vừa phù hợp với những điều kiện hiện có, vừa đảm bảo cho thế hệ trẻ tiếp thu được những tinh hoa của nền văn hóa nhân loại.
Thứ hai, cần có nhận thức tốt về cách thức đổi mới PPDH, theo đó việc DH không còn là truyền thụ kiến thức một chiều, mà đòi hỏi người GV phải học tập và rèn luyện công phu để có được kĩ thuật DH mới, đảm bảo cho công tác DH đạt được mục tiêu do chương trình giáo dục đề ra. Cách thức đổi mới PPDH là phải đổi mới đồng bộ các yếu tố của quá trình DH như nội dung, hình thức tổ chức, phương tiện DH. Theo đó, phải đổi mới cách thiết kế bài giảng, xác định và lượng hóa mục tiêu từng bài học, thiết kế PP DH cho từng bài học cụ thể nhằm đáp ứng được yêu cầu đổi mới PPDH theo hướng tích cực hoạt động nhận thức.
Thứ ba, đổi mới PPDH trong các trường phổ thông hiện nay là đổi mới cách thức làm việc giữa GV và HS theo hướng phát huy vai trò chủ thể của HS, đặt HS vào vị trí trung tâm của quá trình DH, giúp HS đạt được những mục tiêu học tập bằng và trong các hoạt động của chính họ. Hoạt động dạy của GV phải có những thay đổi đáng kể, GV bằng hoạt động của mình phải tạo ra môi trường thuận lợi để người học thực hiện hoạt động của mình với tư cách là chủ thể đích thực của hoạt động đó.
Thứ tư, PP thuyết trình là một trong những PP truyền thống, có tác dụng tích cực trong việc truyền đạt cho HS những kiến thức một cách có hệ thống, logic. PP đàm thoại gợi mở có tác dụng tích cực đến việc cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản dựa trên cơ sở phát huy tính tích cực học tập của HS. Các PP nêu trên đều là những PP được sử dụng phổ biến trong DH ở trường phổ thông hiện nay. Nếu biết kết hợp hài hoà hai PP này theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động học tập của HS, thì cũng có thể nâng cao được chất lượng dạy và học.
Tóm lại, muốn quá trình DH đạt hiệu quả cao, GV phải biết kết hợp một cách linh hoạt các PP DH, mức độ hiệu quả của PP này hay PP khác và tác động của các PP đó đến tính tích cực tư duy của HS như thế nào, suy cho cùng, phụ thuộc vào khả năng sư phạm và nghệ thuật của từng GV. Vấn đề đổi mới PP DH nói chung và DH VL nói riêng ở các trường phổ thông hiện nay là một vấn đề mang tính thời sự, cấp bách và cũng là một trong những điều kiện để nâng cao chất lượng DH ở phổ thông. Đây là vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều mà cần phải có thời gian, GV cần khắc phục những thói quen về những cách dạy cũ, lạc hậu; luôn nâng cao năng lực chuyên môn, cập nhật thông tin về cách thức đổi mới PPDH, có như vậy chúng ta mới có một đội ngũ GV đủ năng lực để đào tạo ra những thế hệ theo kịp với sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Văn Giáo, Lê Công Triêm, Lê Thúc Tuấn (2005), Một số vấn đề dạy học vật lí ở trường trung học phổ thông, Nhà xuất bản Giáo dục.
2. Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan, (2001), Tâm lí học lứa tuổi và tâm lí học sư phạm, Nhà xuất bản Giáo dục.
3. Nguyễn Đức Thâm, Nguyễn Ngọc Hưng, Phạm Xuân Quế (2002), PPDH VL ở trường phổ thông, NXB ĐHSP, Hà nội.
4. Lê Công Triêm (2004), Những vấn đề cơ bản của giáo dục phổ thông hiện nay, Bài giảng cho học viên cao học, Đại học sư phạm Huế.
5. Nguyễn Thị Hồng Việt (2003), Tổ chức hoạt động nhận thức cho học sinh trong dạy học vật lí ở trường trung học phổ thông, NXB Giáo dục.
6. Trần Đức Vượng (2004), Lí luận dạy học hiện đại, Bài giảng cho học viên cao học, Đại học sư phạm Huế.
7. Trịnh Thị Hải Yến, Nguyễn Phương Hồng (2003), Những giải pháp đổi mới PP DH VL, Tạp chí Giáo dục số 54 (03/2003).
TS. Nguyễn Thanh Hải
Khoa Cơ Bản - Đại Học Phạm Văn Đồng