3.2. Những tiền đề cơ bản của việc đổi mới
3.2.1. Chương trình và sách giáo khoa đã có sự đổi mới cơ bản
Môn VL ở trường trung học phổ thông (THPT) hiện nay nhằm góp phần hoàn thiện học vấn phổ thông cho HS, đồng thời tạo điều kiện cho HS có thể tiếp tục học lên các bậc học cao hơn, củng cố và phát triển tiếp tục các năng lực chủ yếu của HS đã hình thành ở cấp Trung học cơ sở (THCS), đáp ứng mục tiêu giáo dục và phát triển con người Việt Nam trong thời kì mới. Các năng lực đó là:
– Năng lực hành động có hiệu quả trên cơ sở những kiến thức, kĩ năng, phẩm chất đã được hình thành trong quá trình học tập, rèn luyện và giao tiếp.
– Năng lực hợp tác, phối hợp hành động trong học tập và đời sống.
– Năng lực sáng tạo, có thể thích ứng với những thay đổi trong cuộc sống.
– Năng lực tự khẳng định bản thân.
Như vậy, mục tiêu của môn VL hiện nay đặt nặng vào việc hình thành và rèn luyện cho HS các năng lực cần thiết của người lao động mới (trước đây, mục tiêu chính của môn VL đặt nặng vào việc cung cấp cho HS các kiến thức VL có hệ thống). Điều đó đặt ra những yêu cầu về đổi mới SGK và PP DH một cách phù hợp nhằm thực hiện các mục tiêu trên. Đối với người học, SGK:
– Cung cấp cho HS những kiến thức, kĩ năng cơ bản, hiện đại, thiết thực và có hệ thống theo những quy định trong chương trình của mỗi môn học.
– Góp phần hình thành cho HS phương pháp học tập chủ động, tích cực. SGK là tài liệu quan trọng nhất có tác dụng hỗ trợ, tạo điều kiện cho HS tự học, tự tiếp thu tri thức cần thiết cho bản thân.
– Giúp HS có thể tự kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của mình.
– Giúp HS tra cứu, tham khảo, tìm kiếm được những thông tin chính xác, phù hợp với trình độ hiện tại của mình.
– Góp phần hình thành và phát triển ở HS có khả năng ứng xử, có hành vi văn minh trong cuộc sống.
– SGK giúp HS liên kết những kiến thức, kĩ năng đã học với hành động của các em trong đời sống và sản xuất.
Đối với người dạy, SGK:
– Quy định phạm vi và mức độ kiến thức, kĩ năng mà người dạy cần phải thực hiện trong quá trình DH.
– Giúp GV có phương hướng hành động thích hợp để cải tiến, đổi mới phương pháp DH (dạy như thế nào). Đồng thời có thể giúp người dạy khơi gợi và phát huy khả năng tự học của người học.
– Làm căn cứ chủ yếu để GV chuẩn bị giáo án, tiến hành bài giảng, tổ chức điều khiển lớp học, đánh giá HS.
SGK còn làm căn cứ để các cấp quản lí giáo dục kiểm tra đánh giá kết quả dạy và học ở trường phổ thông.
Có thể nói, việc đổi mới nội dung và cách thể hiện nội dung của SGK mới một mặt tạo đòi hỏi phải đổi mới PPDH VL, mặt khác lại góp phần để giáo viên thực hiện thành công quá trình đổi mới này.
3.2.2. Nhận thức của giáo viên và học sinh đã có sự thay đổi
Hầu hết GV VL đều hiểu được cùng với đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình và sách giáo khoa, việc đổi mới PPDH là nhân tố quan trọng nhất, quyết định nhất đến việc nâng cao chất lượng DH VL. Một khi chương trình và SGK đã đổi mới thì việc đổi mới PPDH là một tất yếu.
3.2.3. Giáo viên đã được bồi dưỡng về đổi mới
Trong một số năm gần đây, công tác bồi dưỡng thường xuyên GV đã góp phần quan trọng tạo nên những thay đổi trong nhận thức của GV về đổi mới PPDH. Ngoài việc nâng cao nhận thức và trình độ lí luận DH cho GV, chương trình bồi dưỡng thường xuyên còn tăng cường được năng lực thực thi các phương pháp DH tiên tiến và sử dụng các phương tiện DH hiện đại của GV trong thực tiễn DH VL ở THPT.
3.2.4. Về đặc điểm tâm sinh lí học sinh
Ngoài khả năng phân tích, tổng hợp, so sánh, trừu tượng hoá, khái quát hoá ngày càng được phát triển, HS lứa tuổi này không thích chấp nhận một cách đơn giản những những áp đặt của GV. Các em thích tranh luận, thích bày tỏ những ý kiến riêng biệt của cá nhân mình về những vấn đề lí thuyết và thực tiễn. Đây là một thuận lợi cơ bản trong việc thực hiện đổi mới PPDH VL.
3.2.5. Cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ cho việc dạy và học đã được tăng cường
Trong các giờ học VL, hầu hết HS trong một lớp đều có SGK. Một loạt sách tham khảo, hướng dẫn PP DH và mở rộng nội dung kiến thức trong SGK dành cho GV đã được biên soạn. Các thiết bị kĩ thuật và thí nghiệm dùng trong DH VL ngày càng được sử dụng rộng rãi.
3.3. Mục đích và mục tiêu của đổi mới
3.3.1. Mục đích
Nhằm nâng cao được chất lượng DH VL ở THPT. Cụ thể là nhằm làm cho HS tiếp thu bài tốt hơn, nắm kiến thức VL vững chắc hơn, vận dụng được các kiến thức trong thực tế có hiệu quả hơn; các kĩ năng thực hành và trí tuệ đựơc hình thành và phát triển cao hơn; các phẩm chất, các giá trị quan trọng của người HS được hình thành, củng cố và phát triển một cách mạnh mẽ hơn.
3.3.2. Mục tiêu
Thực hiện được cách DH theo hướng phát huy tính tích cực học tập của HS. Cụ thể là: GV đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo, điều khiển; HS tích cực, tự giác, chủ động làm việc với các nguồn tri thức dưới sự chỉ đạo của GV.
3.4. Hướng và cách đổi mới
3.4.1. Định hướng đổi mới phương pháp dạy học vật lí ở trung học phổ thông
Định hướng về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học
+ Về phương pháp DH, GV cần vận dụng mọi phương pháp DH hiện có một cách linh hoạt, đồng thời từng bước vận dụng các phương pháp DH hiện đại như PPDH hợp tác (PPDH cùng tham gia), PPDH giải quyết vấn đề,...nhằm giúp HS biết cách tự học, biết cách hợp tác trong tự học; tích cực chủ động, sáng tạo trong việc phát hiện và giải quyết vấn đề để vừa có được những kiến thức cần thiết, vừa rèn luyện được các năng lực hành động.
+ Về hình thức tổ chức DH, nên áp dụng các hình thức tổ chức DH một cách linh hoạt, phối hợp DH cá nhân và DH theo nhóm nhỏ, theo lớp; phối hợp DH ở trong và ngoài lớp, ở nhà trường và ở hiện trường (cơ sở sản xuất vật phương).
Định hướng về thiết bị dạy học
Các thiết bị DH VL là điều kiện, phương tiện và nguồn tri thức không thể thiếu được trong quá trình học tập của HS. Thông qua hoạt động với các thiết bị, HS tiếp cận được với hình ảnh mô phỏng thực tế, rèn luyện các kĩ năng quan sát, thu thập và xử lí thông tin, hướng tới việc hình thành những năng lực cần thiết của người lao động mới. Các thiết bị DH phải phù hợp nội dung, PP của chương trình và SGK.
Định hướng về đánh giá kết quả học tập
+ Yêu cầu của việc đánh giá là phải toàn diện, khách quan, chính xác và có tác dụng điều chỉnh hoạt động DH, động viên sự cố gắng học tập của HS.
+ Để tránh việc kiểm tra kiến thức theo kiểu ghi nhớ máy móc và tạo nên sự thống nhất về đánh giá trong cả nước, sẽ tiến tới việc xây dựng hệ thống chuẩn về kiến thức và kĩ năng của bộ môn là cơ sở cho việc đánh giá.
+ Các yêu cầu cần được đánh giá phải bao gồm kiến thức, kĩ năng, các phẩm chất nhân cách khác. Tuy vậy, trước hết nên tập trung vào đánh giá về kiến thức và kĩ năng bằng cách bố trí hai yêu cầu này trong tất cả các lần kiểm tra:
+ Các bài kiểm tra cần tạo điều kiện để học sinh bộc lộ các năng lực như: năng lực xử lí thông tin, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo...
+ Cần kết hợp các loại hình kiểm tra, đánh giá: trắc nghiệm tự luận và trắc nghiệm khách quan...
TS. Nguyễn Thanh Hải
Khoa Cơ Bản - ĐH Phạm Văn Đồng