III. VẤN ĐỀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC VẬT LÍ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG
3.1. Những thách thức đối với việc đổi mới PPDH môn vật lí ở trường phổ thông
3.1.1. Vị trí, vai trò của môn vật lí phổ thông trong thực hiện mục tiêu giáo dục
Điều 23, Luật Giáo dục quy định mục tiêu của giáo dục phổ thông là: “giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản nhằm hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân, chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Môn VL ở trường phổ thông góp phần hoàn chỉnh học vấn phổ thông và làm phát triển nhân cách của học sinh, chuẩn bị cho học sinh bước vào cuộc sống lao động, sản xuất, bảo vệ Tổ quốc hoặc tiếp tục học lên. VL phải tạo cho học sinh tiếp cận với thực tiễn kĩ thuật ở trong nước và xây dựng tiềm lực để tiếp thu được các kĩ thuật hiện đại của thế giới. Chính vì vậy, môn VL ở trường phổ thông có các nhiệm vụ:
Cung cấp cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, tương đối có hệ thống, toàn diện về VL học. Hệ thống kiến thức này phải thiết thực, có tính kĩ thuật tổng hợp và phải phù hợp với những quan điểm hiện đại của VL. Những kiến thức này bao gồm:
– Những khái niệm tương đối chính xác về các sự vật, hiện tượng và quá trình VL thường gặp trong đời sống và sản xuất thuộc các lĩnh vực cơ học, nhiệt học và VL phân tử, điện từ và điện tử học, quang học, VL nguyên tử và VL hạt nhân.
– Những định luật và nguyên lí VL cơ bản, được trình bày phù hợp với năng lực toán học và năng lực suy luận logic của học sinh.
– Những nét chính về những thuyết VL quan trọng nhất mhư thuyết động học phân tử về cấu tạo chất, thuyết điện tử, thuyết ánh sáng, thuyết cấu tạo nguyên tử...
– Những hiểu biết cần thiết về phương pháp thực nghiệm, phương pháp mô hình hóa trong VL học.
– Những nguyên tắc cơ bản của các ứng dụng quan trọng nhất của VL trong đời sống sản xuất.
Rèn luyện cho học sinh những kĩ năng cơ bản sau đây:
– Các kĩ năng thu lượm thông tin về VL từ quan sát thực tế, thí nghiệm, điều tra, sưu tầm tài liệu, tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, khai thác mạng internet...
– Các kĩ năng xử lí thông tin về VL như: xây dựng bảng, biểu đồ, vã đồ thị, rút ra kết luận bằng suy luận quy nạp, suy luận tương tự, khái quát hóa...
– Các kĩ năng truyền đạt thông tin về VL như: thảo luận khoa học, báo cáo viết...
– Các kĩ năng quan sát, đo lường, sử dụng các công cụ và máy móc đo lường phổ biến và năng lực thực hiện những thí nghiệm VL đơn giản.
– Các kĩ năng giải các bài tập VL phổ thông.
– Các kĩ năng vận dụng những kiến thức VL để giải thích các hiện tượng đơn giản và những ứng dụng phổ thông của VL học trong đời sống và sản xuất.
– Các kĩ năng sử dụng các thao tác tư duy logic như phân tích, tổng hợp, quy nạp, diễn dịch, trừu tượng hoá khái quát hoá... và kĩ năng sử dụng phương pháp thực nghiệm.
Góp phần xây dựng cho học sinh thế giới quan khoa học và đạo đức cách mạng: giáo dục cho học sinh lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội. Rèn luyện cho học sinh những phẩm chất cần thiết của người lao động mới: tác phong làm việc cẩn thận, chu đáo; óc tìm tòi sáng tạo; tính trung thực, cần cù, ham học hỏi; thái độ đúng đắn đối với lao động và quý trọng thành quả lao động.
3.1.2. Những khó khăn gặp phải trong quá trình đổi mới
– Một số GV vẫn chưa thực sự thấm nhuần bản chất, hướng và cách thức đổi mới PPDH VL; hiểu biết về cơ sở lí luận, thực tiễn của đổi mới PPDH còn chưa sâu sắc.
– Đa số GV vẫn chú trọng truyền thụ kiến thức theo kiểu thuyết trình xen kẽ hỏi đáp, nặng về thông báo, giảng giải kiến thức, nhẹ về phát huy tính tích cực và phát triển tư duy HS.
– Nhiều GV lên lớp theo kiểu dạy “chay”, không sử dụng thí nghiệm hoặc các phương tiện trực quan khác. Việc sử dụng phương tiện DH còn nặng về mô tả, minh hoạ là chủ yếu.
– Hình thức tổ chức DH còn đơn điệu, chủ yếu là dạy theo lớp. Các hình thức DH cá nhân, nhóm, ngoài trời chưa được thực hiện, hoặc thực hiện chưa có hiệu quả.
– Cơ sở vật chất phục vụ DH và các phương tiện DH còn thiếu và chưa đồng bộ.
TS. Nguyễn Thanh Hải
Khoa Cơ Bản - ĐH Phạm Văn Đồng