II. VẤN ĐỀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG
2.1. Các học thuyết tâm lí làm cơ sở cho đổi mới phương pháp dạy học
Tâm lí học bao gồm nhiều trường phái khác nhau, trong số đó có bốn trường phái tâm lí học chính đã ảnh hưởng nhiều và trực tiếp đến PP DH.
2.1.1. Tâm lí học liên tưởng
Tâm lí học liên tưởng nhấn mạnh vai trò của môi trường, phủ nhận vai trò của di truyền đối với việc hình thành năng lực cũng như những đặc điểm tâm lí khác của con người. Từ đó hoạt động học thực chất là quá trình hình thành các liên tưởng, phát triển trí nhớ của người học.
2.1.2. Tâm lí học hành vi
Theo tâm lí học hành vi thì mọi hành vi đều có thể được lí giải theo nguyên tắc S – R (kích thích – phản ứng), có nghĩa là mỗi khi có kích thích từ môi trường tác động thì con người sẽ phản ứng trả lời và từ đó có thể thích nghi với môi trường. Từ đó, hoạt động học được định nghĩa là quá trình tạo nên những thay đổi trong hành vi để đáp ứng lại những ảnh hưởng tác động từ bên ngoài. Hoạt động dạy nhằm mục đích rèn luyện cho HS những kĩ năng cơ bản. PP DH chủ yếu là huấn luyện để người học hình thành kĩ năng và tổ chức cho họ luyện tập những kĩ năng đó.
2.1.3. Tâm lí học nhận thức
Tâm lí học nhận thức có hai trường phái lớn là lí thuyết xử lí thông tin và lí thuyết kiến tạo.
– Lí thuyết xử lí thông tin cho rằng con người tiếp nhận thông tin từ bên ngoài vào, sử dụng những thao tác trí tuệ để xử lí nó và từ đó thu nhận được những tri thức hiểu biết cho mình. Người học đóng vai trò là người tiếp nhận thông tin được đưa đến và xử lí nó, hoạt động của GV nhằm cung cấp thông tin, truyền thụ tri thức các môn học cho HS.
– Lí thuyết kiến tạo quan niệm hoạt động học là quá trình người học kiến tạo, xây dựng tri thức cho chính họ. Hoạt động dạy nhằm tổ chức và hướng dẫn hoạt động học của người học. GV không cung cấp cho HS những kiến thức đã có sẵn, mà hướng dẫn để HS tự khám phá tri thức, thực hiện những nhiệm vụ học tập của họ.
2.1.3. Tâm lí học hoạt động
Tâm lí học hoạt động cho rằng tâm lí và hoạt động thống nhất với nhau và không tách rời nhau, không có hoạt động thì không có tâm lí, tâm lí chính là hoạt động. Từ đó DH không phải là sự tác động một chiều từ GV đến HS mà là quá trình hợp tác thực sự giữa GV và HS, trong đó GV tổ chức, chỉ đạo, khuyến khích hoạt động cho HS. DH cần tổ chức sao cho mọi thành viên có thể tham gia tích cực vào hoạt động, người học khám phá với sự giúp đỡ, trong quá trình hoạt động hợp tác.
Có thể thấy rằng, các trường phái tâm lí khác nhau thì quan niệm về DH cũng khác nhau, tuy nhiên có một điểm chung là để hoạt động DH có hiệu quả thì cần phải tạo ra càng nhiều càng tốt những cơ hội cho HS tham gia hoạt động với GV và với những HS khác có khả năng cao hơn.
2.2. Một số định hướng đổi mới phương pháp dạy học
2.2.1. Một số cơ sở định hướng cho viếc đổi mới phương pháp dạy học
Đổi mới PP DH là một trong những vấn đề quan trọng trong tiến trình cải cách giáo dục, những cơ sở định hướng cho việc thực hiện đổi mới PP DH đã được nêu rõ trong một số nghị quyết trung ương, luật giáo dục, chiến lược phát triển giáo dục ...
– Nghị quyết Trung ương 2 (khóa 8) nêu rõ: “Đổi mới mạnh mẽ PP giáo dục và đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện nếp tư duy sáng tạo của người học. Từng bước áp dụng các PP tiên tiến và phương tiện hiện đại vào quá trình DH, đảm bảo điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho HS ...”.
– Điều 24 Luật giáo dục quy định: “PP giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của HS; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng PP tự học, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú hoạt động cho HS”.
– Chiến lược phát triển giáo dục 2001 – 2010 (Ban hành kèm theo quyết định số 201/2001/QĐ – TTg ngày 28 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng chính phủ) ở mục 5.2 ghi rõ: “Đổi mới và hiện đại hoá PP giáo dục. Chuyển từ việc truyền thụ tri thức thụ động, thầy giảng, trò ghi sang hướng dẫn người học chủ động trong quá trình tiếp cận tri thức; dạy cho người học PP tự học, tự thu nhận thông tin một cách có hệ thống và có tư duy phân tích, tổng hợp; phát triển năng lực của mỗi cá nhân; tăng cường tính chủ động, tính tự chủ của HS, sinh viên trong quá trình học tập, ...”.
2.2.2. Tinh thần đổi mới phương pháp dạy học
Dựa vào các cơ sở định hướng nêu trên, có thể thấy việc đổi mới PP DH diễn ra theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của HS, đưa HS vào vị trí chủ thể của nhận thức. Nhiệm vụ của GV trong quá trình DH là:
– Phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của HS.
– Bồi dưỡng PP tự học cho HS.
– Rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho HS.
– Tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho HS.
Trong mỗi tiết học bình thường, nhiệm vụ của GV là làm cho HS hoạt động nhiều hơn, thực hành nhiều hơn, thảo luận nhiều hơn và suy nghĩ nhiều hơn.
2.3. Một số cách thức đổi mới phương pháp dạy học phổ thông
Đổi mới PP DH hiện nay không còn là “khẩu hiệu” nữa mà nó thực sự trở thành một vấn đề có tầm quan trọng và có tính thực tiễn cao. Để thực hiện việc đổi mới PP DH có hiệu quả, cần phải chú ý đổi mới cách nghĩ, cách làm mà cụ thể là đổi mới các yếu tố quả quá trình DH, đổi mới cách soạn giáo án và cách dạy trên lớp.
2.3.1 Đổi mới các yếu tố của quá trình dạy học
Các yếu tố của quá trình DH liên quan chặt chẽ với nhau. Việc đổi mới PP DH đòi hỏi tất yếu phải đổi mới đồng bộ các yếu tố khác như nội dung, hình thức tổ chức, phương tiện DH ...
– Đối với mục tiêu, thay vì cách xác định chung chung, GV phải nêu rõ những sản phẩm mà HS cần phải đạt được sau bài học.
– Đối với nội dung, cần tinh giản kiến thức, vững chắc, thiết thực, vì lợi ích của HS. Coi trọng cả kiến thức lẫn kĩ năng.
– Đối với PP DH, các PP DH truyền thống được sử dụng linh hoạt theo hướng tích cực hoá hoạt động học tập của HS, PP giải quyết vấn đề nên được sử dụng nhiều hơn, một số PP DH mới (thảo luận, tranh luận, báo cáo ...) nên được chú ý sử dụng nhiều hơn và linh hoạt hơn.
– Đối với hình thức tổ chức DH, nên đa dạng hoá các hình thức như giảng dạy trên lớp, ngoài lớp, ngoại khoá ...
– Đối với phương tiện DH, nên sử dụng có chọn lọc các phương tiện DH truyền thống một cách phù hợp, tích cực sử dụng các phương tiện hiện đại (như máy chiếu qua đầu, máy vi tính và projector ...) và sử dụng chủ yếu theo hướng nguồn tri thức (hướng dẫn HS khai thác tri thức từ chính các phương tiện DH).
– Đối với việc kiểm tra đánh giá, nên đa dạng hoá về hình thức kiểm tra (tự luận, trắc nghiệm khách quan, hỏi miệng, bài tập ...), nội dung kiểm tra cần chú trọng cả hình thức lẫn kĩ năng, chú trọng suy luận logic, GV kết hợp với HS trong việc đánh giá, tạo điều kiện để HS đánh giá lẫn nhau.
– Đối với điều kiện cơ sở vật chất, cần kết hợp một cách hợp lí các phương tiện như bảng đen, phấn trắng (phương tiện truyền thống) với các phương tiện hiện đại như máy vi tính, máy phôtôcoppy ... chú ý khai thác sử dụng phòng học bộ môn, vườn trường ...
– Đối với GV, luôn phải nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp cận với các PP DH tiên tiến và các phương tiện DH hiện đại.
– Đối với HS, cần rèn luyện kĩ năng làm việc với nguồn tri thức (kĩ năng làm việc với sách giáo khoa, với bản đồ, số liệu thống kê, với máy vi tính ...), rèn luyện kĩ năng chọn lọc, xử lí và hệ thống hoá thông tin.
– Đối với cán bộ quản lí giáo dục, cần phải chia sẻ với những suy nghĩ, việc làm của GV, quan tâm, ủng hộ, khuyến khích, tạo điều kiện và nhân rộng điển hình tốt về đổi mới PP DH.
2.3.2 Đổi mới cách soạn giáo án và dạy học trên lớp
Trước đây (PP DH truyền thống) giáo án của GV thường quan tâm nhiều đến kiến thức truyền thụ, tập trung chủ yếu vào hoạt động của GV và mục tiêu cuối cùng là kiến thức được chuyển từ thầy đến trò.
Nhằm đổi mới PP DH có hiệu quả, giáo án của GV nên quan tâm cả kiến thức lẫn PP DH, phương tiện DH, hình thức tổ chức DH và cả cách kiểm tra đánh giá HS. Hoạt động nhận thức tập trung chủ yếu vào hoạt động của HS (HS làm việc với nguồn tri thức dưới sự hướng dẫn, tổ chức và điều khiển của GV). Kiến thức HS có được nhờ vào sự tự lực làm việc của HS, nhờ vào sự phối hợp của GV và HS, phối hợp giữa HS và HS.
Nếu trong các PP DH truyền thống, GV hoạt động nhiều và là hoạt động chủ yếu, HS hoạt động ít và là thụ động thì một trong những biện pháp để đổi mới PP DH là HS phải hoạt động nhiều và là hoạt động chủ yếu. Trong quá trình DH, HS làm việc với các nguồn tri thức theo cá nhân, nhóm, lớp, GV tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động của HS; những kiến thức khó, then chốt, hoặc HS không tự làm lấy được, GV mới giảng giải, làm rõ, để quá trình hoạt động nhận thức của HS diễn ra một cách suôn sẻ.
TS. Nguyễn Thanh Hải
Khoa Cơ Bản - ĐH Phạm Văn Đồng