Phía sau giảng đường
Vóc người nhỏ nhắn cùng với làn da trắng và chiếc kính cận trông Lê Thanh Duy, sinh viên năm thứ 4 Khoa Điện – Điện tử, Trường đại học Tôn Đức Thắng khá trẻ so với tuổi 22 của mình.
 |
Lê Thanh Duy đang ép nước mía cho khách. |
Trái ngược với dáng dấp của một "công tử", cứ sau giờ đến trường là Duy lại tất bật với quán bán nước mía, sinh tố cùng với nhiều thức uống khác.
Là con lớn trong gia đình thuần nông có bốn người con ở xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, từ nhỏ, Duy đã đảm nhận việc nhà, giúp đỡ bố mẹ chăm sóc, dạy bảo các em. Bước chân vào giảng đường đại học, Duy phải chạy vạy tìm kiếm việc làm thêm để bù vào khoản tiền ít ỏi từ những gánh ve chai của mẹ và sự nhọc nhằn nghề thợ nề của cha.
Giữa đất Sài thành “người đông của khó” nên em không thể tìm được công việc phù hợp với thời gian học tập của mình. Thế là Duy đã cùng với ba người bạn cùng quê đánh liều thuê mặt bằng trên đường số 61, phường Phước Long B, quận 9 mở quán bán nước mía và thức uống rẻ tiền với giá từ 4.000 – 10.000 đồng.
Khách hàng của quán hầu hết là sinh viên và những người lao động có mức thu nhập thấp. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày Duy và các bạn lãi được khoảng 150.000 đồng. Tuy mức thu nhập chẳng đáng là bao nhưng cũng đã giúp cho các em có thêm thu nhập trang trãi cho việc học hành.
Cùng lớp với Duy có sinh viên Trần Văn Đầy, quê ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn. Ngoài những giờ đến trường, Đầy luôn bận rộn với vai trò nhân viên bảo trì của Công ty TNHH kỹ thuật tự động ETEC. Tuy khá vất vả, nhưng khoản tiền công mỗi tháng 3,5 triệu đồng đã giúp em trang trải cuộc sống và còn phụ giúp bố mẹ chu cấp cho em gái út đang theo học tại Trường đại học Phạm Văn Đồng. “Tụi em phải tìm việc làm thêm để đỡ bớt phần nào cho bố mẹ chứ đồng tiền kiếm được ở quê vất vả lắm anh à!” – Đầy ưu tư.
 |
Sinh viên Phan Thị Hồng Giỏi chăm sóc rau trong vườn nhà trọ. |
Sau những giờ miệt mài trên giảng đường, sinh viên Trường Đại học Sài Gòn Phan Thị Hồng Giỏi lại tất bật chăm sóc những luống rau trong vườn nhà trọ. Mùa nào thức ấy, rau cải, xà lách, rau dền, rau đay… luôn xanh mướt. “Đây là thức ăn chính của em và người chị gái trong lúc giá cả leo thang như hiện nay” – Giỏi cho biết.
Giỏi sinh trưởng trong gia đình có 6 người con ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ. Hoàn cảnh gia đình em hết sức khó khăn, cha vừa mới mất sau hơn 7 năm bị bệnh tâm thần, mẹ sắp bước qua tuổi lục tuần gắng gượng cày cấy vài sào ruộng bạc màu nên thu nhập chẳng đáng là bao. Tuổi thơ của mấy chị em là những trận đòn vô thức từ người cha, nỗi cơ cực của mẹ. Cả mấy mẹ con phải dắt nhau ăn nhờ ở đậu tại nhà của những người hàng xóm tốt bụng nhưng vẫn không được yên ổn. Bởi vì, cứ mỗi khi lên cơn thì cha Gỏi thường hay đến quấy phá…
Thương cảm hoàn cảnh của em, ông Nguyễn Đạo, quê xã Phổ Cường, hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh đã cho Giỏi và chị gái Phan Thị Lựu (sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Hùng Vương) ở trọ miễn phí trong căn nhà tại phường Tam Phú, quận Thủ Đức.
Hằng tháng, ông Đạo còn trợ cấp cho em 1,5 triệu đồng. Thế nhưng, do trọ quá xa nên hàng ngày chị em Giỏi phải đón 2 – 3 chặng xe buýt mới đến được trường.
Phía trước là bầu trời
Khó khăn không làm Phan Thị Hồng Giỏi nhụt ý chí trên hành trình đi tìm tri thức của mình. Trong suốt 12 năm Tiểu học và Trung học, em luôn dẫn đầu bảng thành tích của trường. Nhờ đó mà trong năm học 2010 – 2011, Giỏi đã được Báo Tuổi trẻ trao tặng suất học bổng “Bạn tôi - người vượt khó” với số tiền 4 triệu đồng.
 |
Từ phải sang trái, Trần Văn Đầy, Lê Thanh Duy và những sinh viên người Quảng Ngãi. |
“Em không tin nổi là mình được nhận số tiền lớn như thế. Ở quê, mấy mẹ con quần quật cả năm với ruộng lúa cũng chỉ được khoảng bấy nhiêu. Em tự hứa với lòng mình là sẽ học thật giỏi để không phụ sự ưu ái của mọi người. Sau khi ra trường em cũng sẽ trở về đóng góp công sức của mình xây dựng quê hương” – Giỏi tâm sự. Và kết quả năm học thứ nhất ở Trường Đại học Sài Gòn, Giỏi đã dẫn đầu Khoa Giáo dục chính trị với số điểm 8.16.
Ngoài việc học và bán hàng kiếm sống, Lê Thanh Duy còn tích cực tham gia các phong trào do nhà trường phát động. Không thể trực tiếp tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi, nhưng Duy và nhóm bạn của mình đã hướng dẫn cho nhiều phụ huynh và thí sinh tìm phòng trọ tại khu vực quận 9, mỗi khi họ nghỉ chân uống nước tại quán.
Thiên Trà quán, “hoài cảm quê hương Thiên Ấn – Trà Giang”, của Duy và các bạn cũng là điểm tụ họp của nhiều sinh viên Quảng Ngãi theo học tại TP. Hồ Chí Minh. Họ đến đây để được nghe giọng nói xứ Quảng, để hoạch định tương lai của mình sau khi ra trường. “Nhưng điều quan trọng đối với tụi em lúc này là phải học thật giỏi để mai sau giúp ích cho quê hương, đất nước” – Duy cho biết dự định của mình.
Không chỉ có Duy và Đầy mà nhiều sinh viên Quảng Ngãi đã nói với tôi như thế. Và họ vẫn đang tiếp tục hành trình về phía bầu trời tri thức với sự hăm hở của lứa tuổi đôi mươi.
http://baoquangngai.com.vn/channel/2032/201107/Nhung-nguoi-vuot-song-tim-tri-thuc-2083169/