Năm 1947, tại chiến khu Việt Bắc, cùng với việc viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", với bút danh Tân Sinh, Bác Hồ đã viết tác phẩm "Đời sống mới".
Theo quan điểm của Người, xây dựng đời sống mới có vai trò rất quan trọng với chính quyền Dân chủ Cộng hoà còn non trẻ, với cuộc kháng chiến, kiến quốc đang rất cam go. Qua việc xây dựng đời sống mới, còn dễ xoá đi những tàn dư lạc hậu của phong kiến, đế quốc để lại, vì muốn "diệt cỏ dại phải trồng nhiều hoa"; đồng thời, từng bước giáo dục nhân dân thấy được sự tốt đẹp của chế độ mới, và trách nhiệm từng người với Tổ quốc đang phải cùng một lúc diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Tác phẩm lịch sử này Bác không viết dưới dạng văn xuôi, Người đã viết dưới dạng câu hỏi và trả lời, rất rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu và dễ nhớ. Người dành một phần quan trọng nói đến việc xây dựng đời sống mới trong các công sở. Người viết:
Hỏi: Đời sống mới trong các công sở nên như thế nào?
Đáp: Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người "chạy giấy" (liên lạc viên), người quét dọn trong một cơ quan nhỏ đều là những Người ăn lương của Dân, làm việc cho Dân, phải được nhân dân tin cậy. Vì vậy, những người làm trong các công sở càng phải làm gương đời sống mới cho dân bắt chước.
Người làm trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng "cần, kiệm, liêm, chính" thì dễ trở nên hư bại, biến thành sâu mọt của Dân.
Những người ở trong các công sở từ làng (xã) cho đến Chính phủ Trung ương đều dễ tìm dịp phát tài hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục Nhân dân. Đến khi lộ ra-bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu.
Đối với từng cá nhân, Bác đặt câu hỏi: "Riêng một người mà nói, thì đời sống mới là thế nào?
Đáp: Do nhiều người nhóm lại mà thành Làng, do nhiều Làng nhóm lại mà thành Nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành Làng xấu, Nước hèn; nếu mỗi người đều tốt, thì thành Làng tốt, Nước mạnh. Người là gốc của Làng, nước, nếu mọi người cố gắng làm đúng đời sống mới thì Dân tộc nhất định sẽ phú cường.
Bác đã đặt ra một yêu cầu về đời sống mới đối với mỗi người:
Về tinh thần: Một là, sốt sắng yêu Tổ quốc, việc gì có lợi cho Nước phải ra sức làm, việc gì hại cho Nước phải hết sức tránh. Hai là, sẵn lòng công ích: Bất cứ việc to, việc nhỏ, có ích chung thì phải hăng hái làm. Thí dụ, thấy một nhành gai nằm giữa đường, ta lấy vứt đi cho người khác khỏi dẫm phải. Thế cũng là công ích. Hy sinh tài sản giúp kháng chiến, đồng bào tản cư, di cư, cũng là công ích. Ba là, mình hơn người thì chớ kiêu căng, người hơn mình thì chớ nịnh hót, thấy của người thì chớ tham lam, đối với của mình thì chớ bủn xỉn.
Lời dạy của Bác từ 60 năm trước đã tạo nên động lực thúc đẩy kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, và vẫn còn nguyên giá trị đối với việc xây dựng nếp sống văn minh ở chốn công đường và cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá ở địa bàn dân cư từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng lên miền núi trong phạm vi cả nước hiện nay và sau này.