Đã 90 năm qua đi kể từ khi Nguyễn Ái Quốc viết bài báo đầu tiên và trải qua suốt 50 năm Người gắn bó với nghiệp báo (1919-1969) đã khắc họa nên chân dung nhà báo Hồ Chí Minh - một nhà báo đặc biệt nhất hành tinh này. Với gần 200 bút danh khác nhau, nhà báo Hồ Chí Minh đã viết trên dưới 2000 bài báo và là nhà báo đạt đến vị trí lãnh tụ tối cao của một dân tộc, người sáng lập ra một chính đảng, một nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên ở vùng Đông Nam Á đồng thời Người cũng là nhà báo duy nhất được Liên Hiệp Quốc tôn vinh là Danh nhân văn hóa của thế giới… Chỉ bấy nhiêu thôi cũng giúp chúng ta thấy rõ được nét đặc biệt, sự phi thường trong con người nhà báo Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại nhất của báo chí cách mạng Việt Nam .
Tuy mang một tầm vóc vĩ đại, lớn lao đến vậy nhưng nhà báo Hồ Chí Minh lại có một phong cách viết giản dị gần gũi với một văn phong đa dạng mà không kém phần sâu sắc. Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết trong tác phẩm: Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp: “Hồ Chí Minh một nhà chiến lược, nhà lãnh đạo đồng thời là nhà văn hóa, nhà báo. Suốt cuộc đời Hồ Chí Minh là người luôn chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí với một văn phong đa dạng nhiều sắc thái ma nổi bật lên tính quần chúng, cách suy nghĩ và biểu đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ giản dị giầu hình tượng, nói lên được điều lớn bằng những dòng chữ nhỏ…” Có lẽ sẽ không thể có một nhận xét nào chính xác và đầy đủ hơn về phong cách báo chí của Hồ Chủ tịch. Vì một lẽ phong cách ấy được hình thành bởi một mục tiêu, một động lực rất rõ ràng. Không hề là sự tình cờ khi bài báo đầu tiên “Vấn đề người bản xứ” Người tranh đấu cho nền độc lập tự do của dân tộc và đến bài cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc thiếu niên nhi đồng” đăng trên Báo Lao động ngày 1-6-1969 Người viết với muôn vàn tình thương yêu dành cho các cháu thiếu niên nhi đồng đã phần nào phán ảnh được mục tiêu, động lực làm báo của nhà báo Hồ Chí Minh là trọn đời đấu tranh cho nền độc lập tự do của dân tộc và qua đó cũng thể hiện tình thương yêu vô bờ bến của Người đối với nhân dân và đất nước. Ý chí chiến đấu mạnh mẽ và cái TÂM rộng lớn, sâu sắc ấy cũng là điều cần nhất cho bất kỳ một nhà báo nào khi cầm bút. Bài học đó vẫn vẹn nguyên giá trị đối với mọi thế hệ nhà báo Việt Nam hôm nay.
Tại Trường Chính Đảng Trung ương ngày 17-8-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, trước khi viết phải tự hỏi: “Vì ai mà mình viết? Mục đích viết là gì?”. Với nguyên tắc “viết cho ai”, nên ngôn ngữ báo chí của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đạt đến trình độ của một lăng kính đa chiều, luôn hấp dẫn và mới mẻ. Ở Pháp, viết cho thực dân đế quốc đọc, Nguyễn Ái Quốc chơi chữ rất tài tình. Chẳng hạn, sống ở Paris , Người đặt tên tờ báo là Le Paria - có nghĩa là “dưới đáy, người khổ sở tận cùng trong xã hội”. Thời kỳ sống và hoạt động ở căn cứ địa Việt Bắc, những bài báo của Người chủ yếu viết cho đồng bào miền núi đọc, nên ngôn từ lại trở nên mộc mạc, dễ hiểu. Viết cho thanh niên, Hồ Chí Minh dùng ngôn ngữ của lớp trẻ; viết cho thiếu nhi là cách dẫn dụ mộc mạc của ngôn từ giản dị, viết cho nông dân là ngôn ngữ của chân quê... Phong cách của nhà báo Hồ Chí Minh còn là sự hiểu biết rất rộng, rất sâu mà lại rất gần gũi quần chúng. Trong các tác phẩm của Người cuộc sống trên toàn thế giới từ Ấn Độ đến Palestine, từ Tunisia đến Hoa Kỳ, từ Trung Quốc đến Madagasca... gần như ở đâu cũng được Người tìm hiểu và phản ánh một cách tường tận.
Với nhà báo Hồ Chí Minh, ngòi bút luôn là một “phương tiện để phò chính, trừ tà”, Bác căn dặn: Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước và cho hòa bình thế giới”. Qua đó Bác Hồ cũng đã chỉ rõ quan điểm đạo đức, lập trường của người làm báo là phải viết phải nói những gì có lợi cho nước, cho dân. Trong thư căn dặn những người sắp trở thành nhà báo do Báo Cứu Quốc tổ chức năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra những khuyết điểm của báo chí của ta như: Tuyên truyền không kịp thời, chính trị suông quá nhiều, không biết giữ bí mật, đôi khi đăng tin vịt, tờ báo không vui... Đã trải qua hơn nửa thế kỷ mà những điều Người nói như vừa mới diễn ra sáng nay! Vẫn còn không ít tờ báo “chính trị suông” quá nhiều, hay không biết cách để giữ bí mật quốc gia, hoặc thổi phồng thái quá những thông tin giật gân gây sự chú ý của bạn đọc.
Với tư cách một nhà báo đa phong cách Hồ Chí Minh còn là một nhà chính luận bậc thầy, một cây bút lớn về tiểu phẩm, truyện và ký…Đọc tác phẩm văn chương nói chung và tác phẩm báo chí nói riêng của Hồ Chí Minh, ta thấy Người đã sử dụng một cách điêu luyện đặc trưng nghệ thuật ngôn từ trong tác phẩm của mình. Và Bác cũng đã có những ý kiến phê phán sâu sắc lỗi sử dụng ngôn từ của nhiều nhà báo đó là:
- Lỗi Dài dòng, rỗng tuếch: “Viết dài mà rỗng, thì không tốt. Viết ngắn mà rỗng cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuếch. Nhưng trước hết phải chống thói đã rỗng lại dài”.
- Lỗi “cầu kỳ”: “Trên các báo, sách, bức tường, thường có những bức vẽ, những khẩu hiệu, nhiều người xem không ra, đọc không được. Họ cho thế là “mỹ thuật”. Kỳ thực, họ viết, họ vẽ để họ xem thôi.
- Lỗi khô khan, lúng túng:“Nói đi, nói lại cũng chẳng qua kéo ra những chữ “tích cực, tiêu cực, khách quan, chủ quan” và một xốc danh từ học thuộc lòng. Thậm chí những danh từ đó dùng cũng không đúng. Chỉ làm cho quần chúng chán và ngủ gật”.
- Lỗi cẩu thả: “Một thí dụ rất rõ ràng: Mỗi ngày, chúng ta ai cũng rửa mặt. Rửa mặt rồi thì chải đầu. Nhiều người chải đầu rồi còn soi gương xem đã sạch, đã mượt chưa. Nếu viết bài và diễn thuyết cũng cẩn thận như thế thì chắc không đến nỗi có nhiều khuyết điểm.
Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết
Không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”.
Đã 84 năm kể từ khi Báo Thanh Niên ra số đầu tiên (21-6-1925) mở đầu cho dòng báo cách mạng của dân tộc, báo chí Việt Nam hôm nay đã phát triển mạnh mẽ về cả số lượng lẫn chất lượng. Chúng ta ghi nhớ công lao của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh đồng thời cũng ghi nhớ thêm rằng, phong cách và tinh thần, tư tưởng và ý chí, tâm huyết và ngọn bút mẫn tiệp, sắc sâu của Người vẫn sống mãi với sự tươi mới, vững bền bất kể thời gian, vượt qua mọi không gian.