Dạy học Hóa học ở trường THCS nói chung, ở lớp 9 nói riêng, yêu cầu giáo viên thực sự là người tổ chức, hướng dẫn cho học sinh hoạt động nhận thức Hoá học một cách chủ động, sáng tạo như: quan sát, tìm tòi, thực hành thí nghiệm, thảo luận nhóm ... để tự lực, tích cực chiếm lĩnh tri thức mới.
Nhiều nội dung khoa học trong SGK được trình bày theo phương pháp nghiên cứu hoặc tìm tòi nghiên cứu từng phần kiến thức (phương pháp khám phá). Giáo viên cần biết tổ chức, hướng dẫn, gợi ý giúp học sinh hoạt động khám phá để từ đó phát hiện và tiếp thu được kiến thức. Giáo viên cũng cần tập luyện cho học sinh biết sử dụng thí nghiệm hóa học, mô hình, mẫu vật, đồ dùng trực quan hoặc tư liệu để rút ra những kết luận khoa học cần thiết.
Định hướng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực hoạt động nhận thức của học sinh, giúp học sinh từng bước hình thành khả năng tự lực khám phá kiến thức mới. Đó cũng chính là con đường để từng bước giúp học sinh hình thành và phát triển phương pháp học tập, mà quan trọng nhất là phương pháp tự học.
Phương pháp suy lí, qui nạp thường được sử dụng đặc biệt ở 3 chương cuối. ở đây thường đề cập đến một số chất hoá học cụ thể trước khi đi đến những lí thuyết chung. Đồng thời phương pháp suy lí diễn dịch cũng được sử dụng tăng dần theo thời gian học tập hóa học.
Giáo viên cũng cần hiểu rõ lí do tăng thời lượng cho các loại hình luyện tập, ôn tập, thực hành, ... Trong dạy học, Giáo viên cần giành nhiều thời gian cho học sinh hoạt động thí nghiệm thực hành, luyện tập vận dụng kiến thức, chú ý và kiên trì rèn luyện phương pháp học tập.
Phương pháp dạy học trong chương trình Hóa học lớp 9 với 2 phần hóa học vô cơ và hóa học hữu cơ cũng có những đặc trưng khá rõ rệt.
Đối với phần hóa học vô cơ, bắt đầu là sự nghiên cứu tính chất chung của kim loại, phi kim, sau đó nghiên cứu từng chất tiêu biểu, điển hình, quan trọng. Học xong chương trình Hóa học lớp 9 học sinh đã có kiến thức cơ bản phổ thông THCS về hóa học vô cơ, có cái nhìn khái quát về từng loại hợp chất vô cơ, về kim loại, phi kim và mối liên hệ giữa chúng qua bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.
Đối với phần hóa học hữu cơ thì đây là lần đầu tiên học sinh học tập, nghiên cứu. Học sinh được học từ các chất cụ thể. Đây là việc học tập, nghiên cứu từng chất cụ thể nhưng giáo viên cũng phải hình dung và hiểu rõ mỗi chất thường là tiêu biểu cho từng loại chất hữu cơ mà học sinh sẽ được học lên sau này.
Giáo viên cũng cần quan tâm đến yêu cầu đổi mới kiểm tra đánh giá, đó là tăng yêu cầu kiểm tra đánh giá năng lực thực hành, vận dụng, tổng hợp kiến thức và thí nghiệm hoá học để học sinh không chỉ dừng lại ở học thuộc lí thuyết, hiểu lí thuyết. Các hình thức kiểm tra tự luận và trắc nghiệm khách quan được áp dụng rộng rãi và cũng khuyến khích cân đối việc đánh giá của giáo viên với việc tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau của học sinh.