1. Quan niệm về kiến thức cơ bản
Những nội dung đưa vào chương trình và sách giáo khoa vật lý phổ thông được chọn lọc từ khối lượng tri thức đồ sộ của khoa học vật lý, sắp xếp theo lôgíc khoa học và lôgic sư phạm, đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn, tính giáo dục, tính phổ thông của chương trình. Những nội dung đó dùng để dạy học ở vật lý phổ thông. Tuy nhiên trong thực tế quá trình dạy học, đã có nhiều mâu thuẫn xuất hiện giữa:
- Khối lượng tri thức phong phú và thời gian tiết lên lớp có hạn (45 phút) với nhiều nhiệm vụ đa dạng.
- Yêu cầu đảm bảo tính khoa học và đảm bảo tính vừa sức đối với học sinh.
- Yêu cầu đảm bảo sự lĩnh hội kiến thức vững chắc với sự phát triển toàn diện những năng lực nhận thức của học sinh...
Nhiều giáo viên vật lý đã rơi vào hai cực của việc dạy học: một số tham lam, ôm đồm kiến thức, làm cho tiết học nặng nề đối với học sinh; ngược lại một số khác rơi vào cực kia - quá “tóm lược” sách giáo khoa, không bảo đảm truyền thụ đầy đủ cho học sinh các kiến thức cần thiết. N.N.Babanxki đã có lý khi nói rằng:" Biết lựa chọn cái chính, cái căn bản là kỹ năng đầu tiên cần phải có ở mọi người phổ biến các kiến thức vật lý, trong số đó có cả người giáo viên vật lý ở nhà trường”
Kiến thức cơ bản là những kiến thức vạch ra được bản chất của sự vật hiện tượng. Trong vật lý phổ thông, đó là những khái niệm, các qui luật vật lý, các thuyết vật lý...
2. Căn cứ để chọn kiến thức cơ bản
Chọn đúng các kiến thức cơ bản của một bài dạy học là công việc khó, phức tạp. Để chọn đúng kiến thức cơ bản của một bài dạy học, cần phải quan tâm đến các điểm sau:
a) Nắm vững đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu của bộ môn. Do tính tổng hợp cao của khoa học vật lý mà nội dung tri thức vật lý liên quan đến hàng loạt ngành khoa học khác. Tuy nhiên, sử dụng chúng đến mức độ nào để vừa đủ sáng rõ kiến thức vật lý mà không vi phạm nội dung vật lý chính do đối tượng của khoa học vật lý qui định và phụ thuộc vào tay nghề vững của giáo viên.
b) Bám sát vào chương trình dạy học và sách giáo khoa vật lý. Đây là điều bắt buộc tất yếu vì sách giáo khoa là tài liệu giảng dạy và học tập chủ yếu; chương trình là pháp lệnh cần phải tuân theo. Căn cứ vào đó để lựa chọn kiến thức cơ bản là nhằm đảm bảo tính thống nhất của nội dung dạy học trong toàn quốc. Mặt khác, các kiến thức trong sách giáo khoa đã được qui định để dạy cho học sinh, dựa vào đó để xác định chuẩn kiến thức cho học sinh. Do đó, chọn kiến thức cơ bản là chọn kiến thức ở trong sách giáo khoa chứ không phải ở tài liệu nào khác.
Nắm vững chương trình và sách giáo khoa, ngoài nắm vững nội dung từng chương, từng bài, giáo viên phải có cái nhìn khái quát chung toàn bộ chương trình và mối liên hệ “móc xích” giữa chúng để thấy tất cả các mối liên quan và sự kế tiếp. Do đó mới xác định đúng đắn những vấn đề, khái niệm...cần giảng kỹ, cần đi sâu, cần bổ sung vào hoặc giảm bớt đi được mà không có hại đến toàn bộ hệ thống kiến thức, trên cơ sở đó chọn lọc các kiến thức cơ bản.
Tuy nhiên, để xác định được đúng kiến thức cơ bản mỗi bài thì cần phải đọc thêm tài liệu, sách báo tham khảo, các thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau để mở rộng hiểu biết về vấn đề cần dạy học và tạo khả năng chọn đúng kiến thức cơ bản. Đồng thời, “muốn chọn lọc cái không nhiều, cái quan trọng thường cần phải học tập rất nhiều (hầu như tất cả mọi thứ) và không phải chỉ học tập mà còn phải hiểu biết khá sâu sắc nữa”
c) Phải hết sức quan tâm đến trình độ học sinh (tức là chú ý đến đối tượng dạy học). Cần phải biết học sinh đã nắm vững cái gì, dựa vào kiến thức của các em để cân nhắc lựa chọn kiến thức cơ bản của bài giảng, xem kiến thức nào cần bổ sung, cải tạo hoặc cần phát triển, đi sâu hơn.
3. Phương pháp chọn kiến thức cơ bản
Để lựa chọn kiến thức cơ bản của bài dạy học vật lý phổ thông, có thể sử dụng một phương pháp theo qui trình các bước sau đây:
- Xác định mục tiêu của bài dạy học và của từng phần trong bài.
- Xác định các nội dung chủ yếu của bài, của từng phần trong bài (hay còn gọi là “khoanh vùng” kiến thức cơ bản).
- Chọn lọc trong các nội dung chủ yếu (trong phạm vi đã “khoanh vùng”) những khái niệm, định luật, thuyết..., các mối liên hệ, các sự vật, hiện tượng vật lý tiêu biểu.
Điểm cần chú ý là các kiến thức cơ bản tuy phân bổ vào từng phần, từng mục cụ thể của bài, nhưng chúng có quan hệ với nhau trong một thể thống nhất của nội dung bài. Vì vậy, trong nhiều trường hợp đơn vị kiến thức cơ bản này là hệ quả, sự tiếp nối hay là tiền đề, cơ sở cho các đơn vị kiến thức cơ bản khác.
Trong kiến thức cơ bản của bài dạy học, có những nội dung then chốt, hiểu được nó thì có thể làm cơ sở để hiểu được các kiến thức khác liên quan, gần gũi. Đó là những kiến thức trọng tâm của bài cần phải xác định. Trọng tâm của bài có thể nằm trọn trong một, hai mục của bài, nhưng cũng có thể nằm xen kẽ ở tất cả các mục của bài.
Việc chọn lọc kiến thức cơ bản của bài dạy học có thể gắn với việc sắp xếp lại cấu trúc của bài để làm nổi bật các mối liên hệ giữa các hợp phần kiến thức của bài, từ đó rõ thêm các trọng tâm, trọng điểm của bài. Việc làm này thực sự cần thiết, tuy nhiên không phải ở bài nào cũng có thể tiến hành được. Cũng cần chú ý việc cấu trúc lại nội dung bài phải tuân thủ nguyên tắc không làm biến đổi tinh thần cơ bản của bài mà các tác giả sách giáo khoa đã dày công xây dựng.
Chọn lọc kiến thức cơ bản mới là bước đầu tiên của việc dạy học kiến thức cơ bản bài vật lý, nằm ở khâu chuẩn bị bài của giáo viên và chỉ mới giải quyết được câu hỏi: “dạy cái gì?”. Còn bước tiếp theo là việc vận dụng các phương pháp dạy học như thế nào để tổ chức, chỉ đạo cho học sinh nhận thức các kiến thức cơ bản, tức là phải trả lời được “dạy như thế nào? ”.
Kinh nghiệm cho hay, khi chọn lựa kiến thức cơ bản, cần tham khảo phần tốm tắt kiến thức của từng chương, từng bài và hệ thống câu hỏi, bài tập cuối mỗi bài.