KẾ HOẠCH TỔ CHỨC CUỘC THI "THIẾT KẾ BÀI GIẢNG ĐIỆN TỬ"
(Cho Sinh viên Sư phạm ngành Toán và Vật lý năm học 2011-2012)
I. MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA CUỘC THI
- Thiết thực lập thành tích chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12.
- Góp phần đẩy mạnh phong trào ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, tăng cường tính tính cực, chủ động và sáng tạo của sinh viên trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
- Khuyến khích sinh viên bước đầu làm quen với công tác nghiên cứu khoa học, tiếp cận với công nghệ dạy học hiện đại.
- Bổ sung nguồn tài nguyên giáo dục mở phục vụ cho sinh viên, chuẩn bị tốt cho đợt thực tập sư phạm của sinh viên sắp tới.
II. THỂ LỆ CUỘC THI
1. Đối tượng dự thi
* Đối tượng dự thi chính: Sinh viên đang học tại các lớp CLT09, CTT09. Mỗi cá nhân được quyền tham gia từ 1 đến 2 sản phẩm.
* Đối tượng dự thi khuyến khích: Sinh viên năm 1 và năm 2 thuộc các lớp CTL10, CTT11, CLT11A, CLT11B. Mỗi cá nhân có thể tham gia 1 sản phẩm.
2. Định hướng và yêu cầu đối với sản phẩm dự thi
2.1. Định hướng đối với sản phẩm dự thi
- Sản phẩm dự thi của sinh viên các lớp Lý - Tin là bài giảng điện tử môn Vật lý.
- Sản phẩm dự thi của sinh viên các lớp Toán - Tin là bài giảng điện tử môn Toán.
- Bài giảng dự thi phải là bài dạy có trong chương trình hiện hành thuộc bậc học sẽ giảng dạy trong đợt thực tập sư phạm sắp tới. Thời lượng mỗi bài giảng là 1 tiết.
- Bài giảng điện tử phải được tạo ra từ các công cụ tạo bài giảng thường dùng và dễ sử dụng (Microsoft PowerPoint, Violet ...), có khả năng tích hợp đa phương tiện, sử dụng được qua hệ thống máy vi tính và máy chiếu Projector.
- Bài giảng thể hiện được việc sử dụng linh hoạt các phần mềm ứng dụng vào dạy học (thể hiện sự tương tác giữa kênh chữ, kênh hình, âm thanh, màu sắc,....) phù hợp với tính chất chuyên môn của bài dạy, thuận lợi để chuyển giao công nghệ.
- Nội dung chính xác, khoa học, bám sát thực tế; rõ ràng trong trích dẫn tài liệu.
- Sử dụng các kênh hình, chữ, màu sắc và âm thanh hợp lý.
- Thể hiện được tính tương tác trong dạy học, tránh độc giảng.
2.2. Yêu cầu đối với sản phẩm dự thi
Sản phẩm dự thi được ghi trên đĩa CD bao gồm:
- Nhãn dán trên đĩa CD ghi rõ các thông tin: Họ và tên; đơn vị lớp; tên bài giảng điện tử, bài giảng dạy ở lớp nào, tiết thứ mấy trong phân phối chương trình.
- Nội dung ghi trong đĩa CD bao gồm 3 thư mục:
+ Bài giảng điện tử (được đóng gói dạng File Presentations and Shows)
+ Phần mềm (thí nghiệm ảo, các file flash, mô hình ...) có sử dụng trong bài giảng.
+ Giáo án bài dạy học tương ứng (file Word, phiên bản Microsoft Office 2003)
3.Đăng ký và nộp sản phẩm dự thi
3.1. Đăng kí dự thi
Sinh viên tham gia dự thi đăng kí theo đơn vị lớp; Lớp trưởng lập bản đăng kí theo mẫu dưới đây:
Đăng kí tham gia cuỘc thi "THIẾT KẾ BÀI GIẢNG ĐIỆN TỬ"
(Lớp ... ; Năm học 2011 - 2012)
STT
|
Họ và tên
|
Tên bài giảng điện tử
|
Thông tin về bài giảng
|
1.
2.
...
|
|
Ghi đúng tên bài giảng theo Sách giáo khoa hiện hành
|
Ghi rõ bài giảng dùng cho lớp nào (6, 7, 8 hay 9), tiết dạy thứ mấy theo phân phối chương trình
|
Chú ý: GVCN và Lớp trưởng tổ chức cho sinh viên đăng kí dự thi sao cho bài giảng điện tử dự thi của mỗi sinh viên nằm trong phần thực tập sư phạm sắp tới và không trùng với bài giảng dự thi của các sinh viên khác.
3.2. Nộp sản phẩm dự thi
- Sinh viên nộp trực tiếp sản phẩm dự thi (đĩa CD) của mình cho GVCN lớp để đảm bảo tính bảo mật của sản phẩm dự thi.
- Sản phẩm dự thi phải nộp đúng hoặc trước thời gian quy định của cuộc thi.
4. Các tiêu chí chấm điểm sản phẩm dự thi
4.1. Các yêu cầu chung về giáo án: (15 điểm)
- Mục tiêu bài dạy rõ ràng, đầy đủ (1đ)
- Bảo đảm tính đầy đủ, chính xác, khoa học của nội dung bài giảng (5đ)
- Thể hiện tốt các hoạt động dạy học (Đặt vấn đề, hình thành tri thức mới, luyện tập, hệ thống hoá, củng cố, kiểm tra ...) (2đ)
- Có tác dụng tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh (2đ)
- Phân bổ thời gian hợp lý cho từng phần (1đ)
- Hệ thống câu hỏi thể hiện được các mức độ phù hợp từng đối tượng học sinh (1đ)
- Khai thác được tính ứng dụng thực tế và tính giáo dục cho học sinh. (1đ)
4.2. Các yêu cầu về công nghệ của bài giảng điện tử: (20 điểm)
- Bài giảng thể hiện được tính vượt trội so với bài giảng truyền thống (nhờ sử dụng hợp lý các công cụ đa phương tiện mà kiến thức được trình bày trực quan, mô phỏng được nội dung phức tạp, giúp học sinh dễ hiểu, đào sâu kiến thức) (6đ)
- Có sử dụng các phần mềm thích hợp với từng nội dung được nhúng vào các trang hoặc liên kết động với các đối tượng (hình ảnh, video clip ...) trên các trang hoặc file khác. (4đ)
- Giao diện nhất quán với hệ thống đề mục, thân thiện với người dùng, hệ thống hiệu ứng phù hợp với từng loại nội dung, màu sắc, font chữ... phù hợp và hài hoà với yêu cầu, đặc trưng bộ môn. (4đ)
- Bảo đảm tính phổ dụng (Dễ sử dụng, phù hợp với hệ thống máy tính, cấu hình phổ biến và các hệ điều hành khác nhau) (4đ)
- Dễ dàng trở về trang trước, các phần đã học khi cần thiết, có thể liên kết với các bài học cũ có liên quan hay với hệ thống bài tập, ví dụ minh hoạ... (2đ)
4.3. Các yêu cầu khác: (5 điểm)
- Kết hợp các phương pháp dạy truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin (Giải thích, diễn giảng, ghi chú đầy đủ các bảng biểu, hình ảnh, đoạn phim, mô phỏng bằng hoạt cảnh...) (3đ)
- Người học có thể trình bày kết quả làm việc trên trang trình chiếu (như có các ứng dụng phù hợp cho học sinh trình bày, giải bài, minh hoạ, trắc nghiệm...) (1đ)
- Hình thức trình bày phù hợp, không có lỗi chính tả, sinh động, lôi cuốn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả của tiết học (1đ)
* Tổng điểm: 40 điểm (cho điểm chẵn)
* Xếp giải: Theo quy tắc lấy từ điểm cao xuốngcho mỗi môn.
5. Cơ cấu giải thưởng
- 2 giải nhất (1giải môn Toán; 1 giải môn Vật lý).
- 2 giải nhì (1giải môn Toán; 1 giải môn Vật lý).
- 2 giải ba (1giải môn Toán; 1 giải môn Vật lý).
- Một số giải khuyến khích dành cho bài giảng của sinh viên khóa 10 và 11 (nếu có).
Mức thưởng cho từng giải thực hiện theo quy định chung của nhà trường.
III. QUY TRÌNH VÀ THỜI GIAN TỔ CHỨC CUỘC THI
1. Tổ chức phát động cuộc thi và hướng dẫn hỗ trợ sinh viên một số vấn đề, thủ thuật liên quan đến việc xây dựng bài giảng điện tử: ngày 31/10/2011
+ Thành phần: GV Tổ Toán Lý và Sinh viên các lớp CLT09, CTT09;
Sinh viên các lớp khóa 10 và 11 có thể tham gia tự nguyện.
+ Địa điểm: Phòng học (hoặc phòng KLF)
2. Sinh viên đăng ký bài dự thi: Trước ngày 04/11/2011 (Lớp trưởng lập danh sách theo mẫu và nộp cho GVCN)
3. Nộp sản phẩm dự thi: Trước ngày 10/12/2011.
4. Tổ chức chấm sơ khảo: từ ngày 11/12/2011 đến 13/12/2011.
5. Tổ chức chấm chung khảo: từ ngày 14/12/2011 đến 16/12/2011.
6. Tổng kết, công bố giải thưởng cuộc thi và tổ chức cho sinh viên trình diễn các bài giảng đạt giải: dịp 22/12/2011
IV. THÀNH PHẦN THAM GIA TỔ CHỨC CUỘC THI
1. Ban tổ chức
- TS Nguyễn Thanh Hải (GV Vật lý)
- Thầy Nguyễn Viết Trí (GV Toán)
- Thầy Nguyễn Đức Thịnh (GV Toán)
2. Thư kí
- ThS Liên Vương Lâm (GV Toán)
- Cô Mạc Thị Liệt (Trợ lý VPK)
3. Ban Giám Khảo
* Chấm bài giảng điện tử môn Toán:
- Thầy Nguyễn Viết Trí (Nhóm trưởng)
- Thầy Nguyễn Đức Thịnh
- Thầy Trần Văn Hạnh
- ThS Liên Vương Lâm (Thư kí)
- ThS Phan Bá Trình
- ThS Bùi Thị Hoàng Phương
- ThS Nguyễn Thị Bích Thủy
* Chấm bài giảng điện tử môn Vật lý:
- TS Nguyễn Thanh Hải (Nhóm trưởng)
- ThS Trần Đức Thắng
- ThS Nguyễn Thị Kiều Thu (Thư kí)
Quảng ngãi, Ngày 8 tháng 10 năm 2011
TT Tổ Toán Lý
TS Nguyễn Thanh Hải