Sáng 29.8, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật và gặp mặt công tác viên 2010 - 2011. Theo các cán bộ Bảo tàng, trong số 19 tài liệu, ảnh, hiện vật gốc được sưu tập thời gian qua, có những hiện vật tiêu biểu như: Huy hiệu Bác Hồ của Ban tổ chức bảo vệ Đại hội Đảng lần thứ IV năm 1976 tặng đồng chí Nguyễn Thị Bích Thuận; thư Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Trung Quốc gửi đồng chí Tô, ngày 19.11.1967; và gửi đồng chí Lê Văn Lương, ngày 23.2.1968 và 28.2.1968, tất cả đều là bản gốc, có chữ ký của Người; súng More707271 - quà của Bác Hồ tặng bà Trần Thị Ngô, là vợ ông Phạm Kiệt... Hầu hết hiện vật vẫn nguyên vẹn, được các cá nhân và gia đình giữ gìn cẩn thận, bởi đó là kỷ niệm nhắc nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại, nhưng cũng rất đỗi bình dị của dân tộc.

Tấm ảnh Bác Hồ tặng các chiến sỹ |
Một trong số những hiện vật đáng chú ý là bức ảnh Bác Hồ chụp chung với các cháu Trường mẫu giáo nội trú của quân đội (thành lập năm 1951, theo gợi ý của Bác Hồ), ở bản Piềng, thôn Tỉn Hóa, Thanh Định, Định Hóa, Thái Nguyên. Bà Phan Thanh Hòa, một trong những cô giáo đầu tiên của trường, kể lại: “Trường cách nơi ở và làm việc của Bác khoảng hơn 1km. Ngày 19.5.1953, cũng là ngày sinh nhật lần thứ 63 của Bác, để tránh không muốn các cơ quan đoàn thể mất thì giờ đến chúc thọ, Bác dặn văn phòng báo Bác đi công tác vắng, để sang thăm trường. Lần đầu tiên đến trường, Bác đề nghị đưa Bác đi thăm hầm trú ẩn, nơi ăn, chốn ở, nơi học của các cháu. Khi tôi được tiếp chuyện Bác, Bác căn dặn: 100 cháu không chỉ là tài sản quý báu của 100 gia đình mà là vườn ươm những tài năng quý giá sau này cho đất nước. Phải thương các cháu, chăm sóc các cháu như con mình. Các cháu còn quá nhỏ đã phải xa bố mẹ thời gian dài, thương yêu các cháu, các cháu mới ngoan, chịu ăn chịu học với các cô. Bố mẹ các cháu mới yên tâm công tác giúp đánh thắng Pháp trong giai đoạn gay go ác liệt ở chiến dịch Điện Biên Phủ... Khi Bác nói chụp ảnh kỷ niệm, tất cả cô trò đều vui sướng và ngồi quanh Bác, nét mặt ai cũng rạng rỡ”. Bao năm qua, bà Hòa vẫn lưu giữ bức ảnh chụp với Bác, nay quyết định trao tặng Bảo tàng để mọi người biết được tình yêu thương vô hạn của Người với lớp măng non đất nước.
Tham dự lễ tiếp nhận, trao tặng Huy hiệu Bác Hồ mà bà được tặng năm 1964, bà Nguyễn Thị Kim Dung, đại biểu Quốc hội Khóa III rưng rưng nhớ lại: trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội, Hồ Chủ tịch cho các đại biểu Quốc hội trẻ đến gặp Người. Bác gọi tên và hỏi thăm từng đại biểu. Khi đến lượt tôi, Bác vừa cười vừa nói: cháu là nông dân, mà cháu vận áo dài, khi đi cày áo cuốn vào thì cày làm sao được? Thấy tôi lúng túng Bác bảo: thôi, Bác đùa đấy! Sau đó, Bác dặn dò: “Tất cả những thành tích cháu đạt được, Bác rất hoan nghênh. Cháu cũng phải tích cực học tập để trở thành cán bộ Đảng viên tốt, trở thành đại biểu Quốc hội tốt”.

Bảo tàng tiếp nhận hơn chục cuốn sách của các học giả viết về Bác |
Với bà Nguyễn Thị Bích Thuận, nữ cận vệ đầu tiên của Bác Hồ, nguyên Phó cục trưởng Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an), Huy hiệu Bác Hồ do Ban tổ chức bảo vệ Đại hội Đảng lần thứ IV năm 1976 tặng, được bà coi như báu vật, nay gửi gắm vào Bảo tàng. Bà cho biết, kỷ niệm về Bác gắn liền với những lần bà được phân công bảo vệ Người. Năm 1961, khi Bác về thăm quê Nghệ An, bà trực tiếp nhận nhiệm vụ bảo vệ Bác. Muốn giữ bí mật không để Bác biết, mấy nữ chiến sỹ cảnh vệ được hóa trang thành nhân viên nhà khách. Nhưng sau đó, Bác vẫn nhận ra và gọi mọi người tới, ân cần chỉ bảo: đi bảo vệ cần có tư thế sẵn sàng chủ động, giữ yếu tố bất ngờ, giữ mối quan hệ với quần chúng... Trong kháng chiến chống Pháp, bà được mã hóa bức điện Bác gửi vào cho cán bộ chiến sỹ mặt trận Liên khu I. Trong bức điện dài ấy, bà nhớ mãi lời Bác căn dặn chiến sỹ quyết tâm bảo vệ nền độc lập nước nhà: “Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Câu nói ấy sau này qua nhiều lần hội thảo, qua nhiều lần xác nhận, đã được UBND TP Hà Nội xây dựng đài tưởng niệm tại Vườn hoa Hàng Đậu xưa, nay là Vườn hoa Vạn Xuân...
Theo Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Chu Đức Tính, mỗi hiện vật là một câu chuyện cảm động về Bác. Sau nhiều năm lưu giữ, những hiện vật ấy được các gia đình trao tặng Bảo tàng, để di sản của gia đình trở thành di sản của dân tộc. Thực tế, hàng năm, Bảo tàng đều có kinh phí để sưu tầm hiện vật, nhưng chưa bao giờ phải dùng tới, bởi tất cả các gia đình đều hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng, với mong muốn để tình cảm thiêng liêng của Bác với nhân dân và của nhân dân với Bác được lưu giữ mãi mãi và được nhiều người biết đến hơn.