TS. Nguyễn Đăng Vũ phát biểu khai mạc Hội thảo
Đây là Hội thảo nằm trong nội dung kế hoạch thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh "Sưu tầm, dịch thuật, phân loại, đánh giá tư liệu Hán Nôm ở tỉnh Quảng Ngãi", đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt năm 2017; TS. Nguyễn Đăng Vũ làm chủ nhiệm đề tài.

Các đại biểu tham dự Hội thảo
Sau gần hai năm thực hiện, Ban chủ nhiệm đề tài đã sưu tầm được gần 5.000 trang tài liệu Hán Nôm, bao gồm nhiều loại hình văn bản trên các loại chất liệu khác nhau, và đã tiến hành dịch thuật trên 700 trang tư liệu, là những tài liệu tương đối tiêu biểu có liên quan đến lịch sử kinh tế - văn hóa- xã hội vùng đất Quảng Ngãi, vùng đất phía Nam của Tổ quốc và về biển đảo.

TS. Nguyễn Đăng Vũ- Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng - Chủ nhiệm đề tài báo cáo đề dẫn tại Hội thảo
TS. Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng - Chủ nhiệm đề tài cho biết: Do nhiều điều kiện khó khăn khác nhau, đặc biệt là nguồn kinh phí đã được phê duyệt cho việc thực hiện hội thảo, nên Ban chủ nhiệm đề tài không có điều kiện để thông báo rộng rãi cho các nhà nghiên cứu ở nhiều nơi tham gia viết vài và tham dự Hội thảo gần 50 đại biểu là tác giả ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, Hội Khoa học Lịch sử, Phân viện Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Tp. Huế và một số nhà nghiên cứu, những người đại diện các tộc họ có di sản Hán Nôm trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu xem tài liệu Hán Nôm trưng bày tại hội thảo
TS. Nguyễn Đăng Vũ cho biết thêm, Di sản Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi gắn liền với quá trình người Việt đến khai phá và xây dựng vùng đất này trong suốt nhiều thế kỷ. Với cuộc thân chinh của Vua Lê Thánh Tông vào năm 1471, lập nên Thừa tuyên Quảng Nam - Thừa tuyên thứ 13 của nước Đại Việt, thì vùng đất này mới trở thành một bộ phận không thể chia cắt của nước Việt Nam cho đến ngày nay. Từ thời điểm 1471 trở về sau, di sản Hán Nôm mới chính thức theo những bước chân của quan quân, điền chủ, nông dân vào đến vùng Nam - Ngãi. Tuy nhiên, di sản Hán Nôm trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ lụi tàn nhanh chóng do bị thất lạc, mối mọt, thời tiết, cùng với sự hững hờ của con người thì vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản này như thế nào? Những giải pháp trước mắt và lâu dài như thế nào?

Các đại biểu xem tài liệu Hán Nôm trưng bày tại hội thảo
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh - cơ quan quản lý dề tài; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan chủ trì đề tài; Trường Đại học Phạm Văn Đồng - cơ quan phối hợp thực hiện Hội thảo; các cơ quan, các địa phương; ban quản lý các di tích, nhà thờ các dòng họ,... đã tạo điều kiện hỗ trợ trong việc ghi chép, quay phim, chụp ảnh để Ban chủ nhiệm đề tài thực hiện đề tài trong hai năm qua. Các thành viên tham gia thực hiện đề tài, gồm: Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa: Cao Văn Chư, Lê Hồng Khánh, Phan Đình Độ, ThS. Phạm Tấn Thiên, ThS. Nguyễn Ái Dung, TS. Trần Đình Hằng cùng nhóm nghiên cứu của Phân viện Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Tp. Huế, ThS. Nguyễn Thị Mỹ Thuận, TS. Lê Văn Mẫu, ThS. Nguyễn Thị Hồng Huệ và nhà nghiên cứu Hán Nôm - ThS. Hoàng Ngọc Cương,... viết 18 bài nghiên cứu để đăng trong Tập Kỷ yếu và trình bày tại hội thảo. Trong đó, ThS. Lê Thọ Quốc báo cáo tham luận: Tổng quan về di sản Hán Nôm trên huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; TS. Nguyễn Đình Chiến với tham luận “Minh văn chữ Hán trên hàng hóa gốm sứ trong hai con tàu cổ đã khai quật ở vùng biển Quảng Ngãi”; PGS.TS. Phạm Thị Thùy Vinh trình bày tham luận “ Khảo cứu tư liệu xã chí tỉnh Quảng Ngãi”,… Tại Hội thảo, Ban chủ nhiệm đề tài tặng phiên bản sắc phong Quang Chiếu vương Mai Đình Dõng cho nhà thờ Quang Chiếu vương,…

ThS. Lê Thọ Quốc- Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia tại Huế
Báo cáo tham luận Tổng quan về di sản Hán Nôm trên huyện Lý Sơn
Tại địa đểm tổ chức Hội thảo lần này, Ban tổ chức Hội thảo cũng trưng bày gần 50 tài liệu Hán Nôm của dòng họ Trương làng Mỹ Khê và 18 sắc phong còn lưu ở chùa Hoa Sơn, xã Nghĩa Phú, đều thuộc Tp. Quảng Ngãi (phiên bản).
Theo http://vanhien.vn/news/hoi-thao-khoa-hoc-%E2%80%9Ctu-lieu-han-nom-o-quang-ngai--gia-tri-thuc-trang-va-giai-phap-bao-ton%E2%80%9D-70531