Hội thảo là diễn đàn để cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học công bố những kết quả nghiên cứu thuộc lĩnh vực hóa học, sinh học và môi trường, tạo môi trường trao đổi khoa học, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong quá trình làm khoa học, định hướng nghiên cứu, ứng dụng, phát triển hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực hóa học, sinh học và môi trường.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, cán bộ giảng viên đến từ các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu trong cả nước với 43 công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu cho từng lĩnh vực nghiên cứu.
Phát biểu đề dẫn hội thảo- TS. Nguyễn Đăng Vũ- Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã bày tỏ mong muốn các nhà nghiên cứu, cán bộ, giảng viên tham gia Hội thảo sẽ tiếp tục phản biện đối với các công trình nghiên cứu, góp ý, thảo luận để tìm ra những giải pháp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phù hợp với từng địa phương trong điều kiện hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ- Hiệu trưởng Đại học Phạm Văn Đồng phát biểu đề dẫn Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang khẳng định hội thảo có ý nghĩa và tác dụng tích cực, mở ra nhiều hướng nghiên cứu cho các thầy cô giáo của Trường Đại học Phạm Văn Đồng, cũng như các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu trong cả nước.
Phó Bí thư nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi luôn đồng hành cùng các nhà khoa học, tạo điều kiện về mọi mặt để ngành khoa học và công nghệ phát triển một cách tốt nhất, đồng bộ, bền vững và hiện đại. Phó Bí thư cũng bày tỏ mong muốn, thông qua Hội thảo này, tạo nên những đòn bẩy trong việc triển khai, hiện thực hóa những nghiên cứu phù hợp với thực tế của tỉnh. Với kỳ vọng đó, ông cũng yêu cầu các cán bộ quản lý của tỉnh có thái độ nghiêm túc, cầu thị với tinh thần học hỏi để tìm được những ứng dụng hữu ích và phù hợp với bối cảnh cũng như tiềm lực địa phương. Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang yêu cầu, sau hội thảo này, Trường Đại học Phạm Văn Đồng sẽ có báo cáo tổng quát chung về kết quả hội thảo gởi đến lãnh đạo tỉnh, các sở ngành và một số địa phương liên quan, đồng thời có những đề xuất cụ thể về cơ chế, giải pháp ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Các nhà nghiên cứu trình bày công trình nghiên cứu của mình tại Hội Thảo
Tại hội thảo, 10 công trình khoa học tiêu biểu được chọn để giới thiệu đến các đại biểu. Trong đó, có 2 công trình của tác giả đến từ Quảng Ngãi, là: công trình “Nghiên cứu nuôi cấy nấm địa y nhằm thu nhận các hoạt chất có hoạt tính sinh học” của Tiến sĩ Lê Hoàng Duy, Trường Đại học Phạm Văn Đồng; Và công trình “Mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu tại Hợp tác xã Nấm Đức Nhuận”, của ông Lê Giang Phong, Giám đốc Hợp tác xã Nấm Đức Nhuận, Mộ Đức.
Các nhà nghiên cứu tham gia phản biện, góp ý đối với các công trình nghiên cứu
để tìm ra các giải pháp tốt nhất để ứng dụng tại địa phương
Từ các góc nhìn khác nhau, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi học thuật, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình làm khoa học, và thảo luận để tìm ra định hướng nghiên cứu, ứng dụng, các giải pháp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phù hợp với từng vùng, từng địa phương trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa hiện nay.