TÓM TẮT
Những đổi mới quan trọng nhất của văn học Việt Nam giai đoạn từ sau 1975 là đổi mới quan niệm về hiện thực, con người và nghệ thuật trần thuật. Nữ sĩ Phạm Thị Hoài đã góp phần đổi mới quan niệm về hiện thực qua cái nhìn về một xã hội phi lí trong sáng tác của chị.
1. MỞ ĐẦU
Phạm Thị Hoài tên thật là Phạm Thị Hoài Nam sinh năm 1960 tại tỉnh Hải Dương. Năm 1977, chị đến Đông Berlin, học ở Đại học Humboldt và đã tốt nghiệp chuyên ngành Văn khố. Năm 1983, chị trở về Việt Nam, sống ở Hà Nội và làm chuyên viên lưu trữ văn thư trong mười năm.
Năm 1988, văn đàn Việt Nam xuất hiện một cuốn tiểu thuyết có dung lượng rất ngắn (80 trang) nhưng đã gây sự chú ý cho công chúng trong một thời gian dài, đó là Thiên sứ của tác giả Phạm Thị Hoài. Đây là tác phẩm đầu tay được nữ sĩ trình làng đánh dấu sự nghiệp viết văn của mình. Thiên sứ không chỉ được giới phê bình đánh giá cao mà còn chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc. Nhờ Thiên sứ, Phạm Thị Hoài được biết đến như một cây bút mới lạ với nhãn quan trẻ trung, bút pháp hiện đại báo hiệu một tài năng mới cho văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Sau Thiên sứ, Phạm Thị Hoài ra mắt độc giả tập truyện ngắn Mê lộ (1989), Man nương (1993), tiểu thuyết Marie Sến (1996) và một số tác phẩm khác đăng tải trên mạng điện tử được chị viết khi đã định cư bên Đức. Khi những sáng tác này của chị xuất hiện trên văn đàn Việt Nam, thực sự đã tạo ra một cú sốc với rất nhiều người, trong đó có cả giới phê bình văn học. Cũng từ đây, chị trở thành hiện tượng gây tranh cãi trên các diễn đàn văn học và các phương tiện đại chúng. Nhiều người khen hết lời vì bút pháp mới lạ, độc đáo, nhưng cũng không ít người phê phán đó là văn chương dung tục.
Dù chê hay khen thì Phạm Thị Hoài cũng đã thể hiện được bản lĩnh và khả năng của một nữ văn sĩ hiện đại, độc đáo. Đó là kết quả của quá trình không ngừng học tập của cô du học sinh Việt Nam và cũng là kết quả của hành trình tìm tòi, sáng tạo, đổi mới nghệ thuật của một nhà văn tâm huyết với nghề.
2. NỘI DUNG
Trong cao trào đổi mới văn học nước nhà từ sau 1986, Phạm Thị Hoài đã đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị với nội dung mới lạ, bút pháp độc đáo, nhãn quan hiện đại góp phần không nhỏ vào quá trình đổi mới cái nhìn về hiện thực và con người của văn học sau 1975. Phát hiện và phản ánh hiện thực về một xã hội phi lí đang hiện tồn ở Việt Nam thời bình chính là một trong những đóng góp ấy của nữ văn sĩ.
2.1. Giới thuyết về văn học phi lí
Văn học phi lí là một hiện tượng văn học độc đáo của phương Tây thế kỉ XX, đồng thời cũng là hiện tượng gây tranh cãi nhiều nhất và có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất ở thế kỉ vừa qua.
Cơ sở khách quan của thuyết phi lí bắt nguồn từ những phản ứng trước một xã hội đầy rẫy những cảnh tàn nhẫn, bất công làm tổn thương đến lương tri và mơ ước của người trí thức, nó đi liền với những suy tưởng về ý nghĩa tồn tại của nhân loại. Những tác giả được xem như cánh chim đầu đàn của hiện tượng văn học phi lí là các tên tuổi mà sau này đã trở nên nổi tiếng của toàn nhân loại như Kafka, Camus, Ionesco, Beckett, Durrenmatt, Exupery… Sáng tác của họ không chỉ ảnh hưởng đến các cây bút phương Tây mà cả phương Đông, trong đó có Việt Nam.
Ảnh hưởng của văn học phi lí biểu hiện sâu sắc nhất ở Việt Nam qua sáng tác của các nhà văn sau đổi mới như: Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Huy Thiệp…nhưng để lại dấu ấn sâu đậm nhất có lẽ là cây bút nữ Phạm Thị Hoài.
2.2. Hiện thực về một xã hội phi lí trong sáng tác của Phạm Thị Hoài
Để mổ xẻ, phân tích xã hội phi lí, Phạm Thị Hoài khai thác triệt để mọi chi tiết dù là nhỏ nhất của đời sống. Có thể chia cái phi lí trong truyện của Phạm Thị Hoài ra làm hai cấp độ: trong gia đình và ngoài xã hội.
2.2.1. Cái phi lí trong gia đình
Trong gia đình, đó là sự phi lí của các mối quan hệ họ hàng huyết thống, sự phá vỡ, đảo lộn mọi lề lối của những kỉ cương, phép tắc, tôn ti trật tự vốn là thang giá trị đã được thiết lập hàng ngàn năm qua. Hình ảnh người cha từ dưới quê lên Hà Nội để tìm đứa con gái đã bỏ nhà ra đi sáu tháng không một tin tức trong Tiệm may Sài Gòn làm người đọc giật mình bởi sự vô tâm, vô tình của con cái với các bậc sinh thành. Nhưng, có lẽ cũng không đáng sợ bằng sự vô hồn, vô cảm của con trai cô Liễu trong Tổ khúc bốn mùa, “chẳng bao giờ anh ta quan tâm tới việc tại sao thiếu mặt một người đàn ông nữa trong gia đình, người anh ta có thể gọi là bố, để dựa dẫm, để có cái mà đối chiếu và để khinh bỉ, hay tại sao bà mẹ bỗng vo viên cái quá khứ tượng trưng bằng mớ quần áo sẫm màu, ném qua cửa sổ cho ăn mày đến nhặt, rồi khúc khích nhún nhảy tình tang thế kia”. Anh ta là hiện thân của “kẻ xa lạ”, kẻ đứng ngoài xã hội đã từng xuất hiện trong sáng tác của Albert Camus, Franz Kafka… Đối lập với sự lạnh lùng, nhạt nhẽo, vô tình của những đứa con là thái độ vô trách nhiệm “như cái máy hút bụi chưa có trên thị trường” (Second hand), hoặc có trách nhiệm theo kiểu rất phi lí “thuê thằng con trai chín tuổi đi học, cứ điểm mười năm trăm, điểm chín bốn trăm, điểm tám ba trăm, từ bảy trở xuống không tính” (Kiêm ái). Không chỉ vô trách nhiệm mà họ còn rất vô cảm, vô hồn, mỗi lần bé Hon đòi “thơm nào”, “mẹ gắt lên: “Ra chỗ khác, thơm với tho gì, không kịp mở mắt đây này!”. Bố: “Thôi, thôi, đủ rồi, ướt nhoèn cả mặt người ta!”, “anh Hạc quát: Cút”(Thiên sứ). Không dừng lại ở đấy, ngòi bút của nhà văn còn sục sâu vào những hiện tượng khác thường, quái lạ đến mức vô nhân đạo của những người mẹ, “người mẹ trả thù cho việc bà mang thai tôi rất bất đắc dĩ bằng cách cứ tiện tay thì bổ guốc cao gót xuống đầu tôi” (Một anh hùng). “Con bé hàng xóm bên phải đang cầm chặt chiếc tích - kê trong tay chờ nạo thai lần thứ ba trong vòng một năm rưỡi. Bạn đừng hình dung nó là đứa con gái trơ tráo nhảy tót lên bàn nạo xong rồi phủi đít trèo xuống. Lần nào nó cũng khóc mùi mẫn đủ ba mươi phút tiêu chuẩn trước khi phải nhường giường cho người tiếp theo. Đáng lẽ phải khóc cho cái tình yêu vừa bị vét ra bằng hết thì nó lại chỉ khóc vì bị vị bác sĩ chửi mắng, làm như nếu được đối xử nhẹ nhàng hơn thì nó còn năng lui tới đây hơn” (Những con búp bê của bà cụ). Cái phi lí trong gia đình được nhà văn đẩy lên đến cao trào trong tiểu thuyết Marie Sến qua mối tình tay bảy: sáu người đàn ông cùng yêu và cùng lần lượt được lên giường với một người đàn bà: Marie Sến, điều làm ta ngạc nhiên là có bốn người đàn ông (Thân - Tân; Đoài - Đủ) là hai cặp cha con, tất cả họ đều biết mình “ngửi mùi” của con hoặc của cha hoặc của hai anh bạn láng giềng (đồng nghiệp) trên cái cơ thể “không biết nói lời từ chối” của Marie Sến, nhưng họ vẫn thản nhiên, phấn khích quan hệ ái tình, còn tìm mọi cách để độc quyền sở hữu một thực thể yêu tự do như Marie Sến.
Những phân đoạn trên là những lát cắt mang tính chất phi lí, thế nhưng nó vẫn hiện hữu trong cuộc sống dù không muốn nhưng con người vẫn phải đối diện và chấp nhận như một hiện tượng bình thường, nói như nhà văn Ng trong Người đàn bà với hai con chó nhỏ “cuộc đời là thế”.
2.2.2. Cái phi lí ngoài xã hội
Khác với cái phi lí tồn tại trong gia đình, Phạm Thị Hoài riết róng và táo bạo hơn khi bóc trần cái phi lí ngoài xã hội. Trên tinh thần tiếp thu cái phi lí của hai nhà văn nổi tiếng Franz Kafka và Albert Camus, Phạm Thị Hoài đã thể hiện cái phi lí trong văn chương của mình trên cả hai bình diện: cái phi lí khách quan của Kafka và cái phi lí chủ quan của Camus.
Xưa nay, ai cũng cho rằng giáo dục là sự nghiệp thiêng liêng, cao cả, nghề dạy học là nghề trồng người, còn giáo viên là những kỹ sư tâm hồn. Thế nhưng, dưới cái nhìn gai góc nhưng trung thực của một ngòi bút sắc sảo và bản lĩnh như Phạm Thị Hoài thì những cái đó trở thành một thứ “xa xỉ phẩm”. Đây là hình tượng một người đứng đầu của một trường học: “ông hiệu trưởng lùn tịt, nhắc đi nhắc lại từ năm này qua năm khác bài học về ba dòng thác cách mạng, không bao giờ đặt nổi một câu nghi vấn về bản thân và chắc chắn sẽ nhắm mắt xuôi tay như một người anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng” (Một chuyện cổ điển). Và đây là chân dung của hai người thầy trong Thiên sứ: người thứ nhất là thầy Kiên với những bài giảng kiểu “bơ là loại thịt người ta đóng vào cái ống bơ, đem ra chợ bán” và sau mỗi bài giảng, bao giờ thầy cũng “lồm ngồm tìm dép ở một xó nào”, lúc nói thì “bọt trào ra trắng xoá hai bên mép”. Người thứ hai là nhà giáo - nhà thơ V.H Junior (Victo Hugo con) Văn Hoàng - người đã dùng những ánh hào quang nhất định của nghề nghiệp và vị trí của mình để bẻ nát một “bông hoa cẩm chướng trắng không gai” làm cho cái Đẹp thơ ngây phải lao theo một vòng xoáy tha hoá không cưỡng lại được. Và đây là cảnh dạy cắt may của hai thầy giáo trong Tiệm may Sài Gòn: “hai thầy Quyết và Túc hướng dẫn cho cả bọn không có tổ chức gì. Đứa nào ới thầy ơi thì thầy đến, nếu không thì thầy Quyết còn trẻ nằm ngay trên bàn để hát, còn thầy Túc ngồi rung đùi tán chuyện. Thầy Quyết cởi trần. Thầy Túc áo chỉ khoác hờ để lộ bụng rất phệ”. Hình ảnh đó kết hợp với hành động sàm sỡ học trò càng làm cho người thầy hiện ra méo mó đến dị hợm: “Lúc tôi lên gác thì con bé Lan đang ướm một cái áo khoác màu hồng, thầy Túc vuốt mãi chỗ ngực, bảo chỗ này còn nhăn lắm phải lược lại, xong thầy bảo: “Xin lỗi nhé”, rồi luồn tay vào trong để kiểm tra lần lót”.
Chủ đề giáo dục nói riêng và giới tri thức Việt Nam nói chung còn được nhà văn công kích qua truyện ngắn Thầy A.K, kẻ sĩ Hà Thành. Thầy A.K, một thứ thầy đời, một kẻ sĩ chính diện, một trí thức điển hình mà Phạm Thị Hoài chọn lựa cho xã hội Việt Nam thời đổi mới. Đặt cho nhân vật chính cái tên A.K, nhà văn giúp chúng ta không chỉ liên tưởng đến A.Q của Lỗ Tấn và K của Kafka mà còn liên tưởng đến tên một khẩu súng, biểu tượng của phá hoại. Nếu A.Q là nạn nhân của xã hội Trung Hoa thời đầu thế kỉ XX thì A.K là thủ phạm đã làm ô nhiễm xã hội Việt Nam hiện nay. A.K của Phạm Thị Hoài không phải để nói một người mà để chỉ tất cả những người giả hiền, mang mặt Chúa, Phật đi truyền đạo. Những “thầy” ấy lừa bịp bản thân và lừa bịp quần chúng. Họ là những nhà văn tự lừa đảo trong văn phong, trong tư tưởng…họ sát nhân bằng ngôn ngữ, bằng ngòi bút. Họ là những thầy thuốc chữa bách bệnh bằng dầu cù là và nước lạnh. Họ là những thầy giáo dạy học trò bằng lộng ngôn và ngoa ngữ. Họ là những kẻ “giết người không dao” (bằng chứng là cái treo cổ tự tử rất vô lí của người nông phu). Phạm Thị Hoài đã công phá làm sụp đổ không thương tiếc bức thành trì vững chắc nhất của xã hội là giáo dục và tầng lớp trí thức để trưng ra ánh sáng một hiện thực phi lí phũ phàng không kém phần tàn nhẫn đang tồn tại và hoành hành trong xã hội Việt Nam những năm đổi mới.
Để phơi bày cái phi lí ngoài xã hội, Phạm Thị Hoài nói nhiều đến cái chết. Dù chết là điều dường như không ai mong muốn, nhưng trong truyện Phạm Thị Hoài lại xuất hiện những con người “tha thiết” đón chờ cái chết. Đó là người chồng trong Hoa sữa “hình như người ta ai cũng tìm một điều thôi, nhầm lẫn lung tung, cuối cùng mới biết nó là cái gì. Nó là cái chết” và “dường như anh đã ngầm thỏa thuận từ lâu với cái chết, chỉ cần nó đứng dưới cửa sổ huýt sáo một tiếng là xong”. Ngoài ra còn có những cái chết rất phi lí, đó là cái chết của Lan trong Tiệm may Sài Gòn, anh chàng người yêu của “tôi” trong Thuế biển, cô bé xinh đẹp nhất trong lớp của Người đoán mộng giỏi nhất thế gian với đứa con mới chào đời, người bà trong Thực đơn chủ nhật, bốn người đàn ông Đoài, Đủ, Thân, Tân trong tiểu thuyết Marie Sến, bé Hon trong Thiên sứ. Đó là những cái chết mang màu sắc siêu thực và tính chất phi lí của kịch phi lí phương Tây thế kỉ XX. Vì lí do đưa đến cái chết của những nhân vật ấy chẳng phải là lí do gì cả.
Xã hội phi lí còn được nhà văn vẽ bằng những nét bút biếm họa độc đáo qua truyện ngắn Người đoán mộng giỏi nhất thế gian. Có thể nói đây là truyện ngắn in đậm dấu ấn phương Tây của Phạm Thị Hoài. Dấu ấn phương Tây trước tiên thể hiện ở cái tòa án kì lạ không tên, không địa chỉ, chỉ biết là “tòa án nhân dân thành phố H, mở phiên tòa xử một trường hợp đặc biệt. Bị cáo là một phụ nữ bốn mươi tuổi, độc thân, phạm tội hành nghề mê tín dị đoan có hệ thống, có tổ chức, quy mô lớn, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội, nổi tiếng dưới tên gọi “người đoán mộng giỏi nhất thế gian”. Phiên tòa không luật sư bào chữa, bị cáo khước từ mọi quyền lợi trước pháp luật. Bảy công tố viên thay phiên nhau chạy tiếp sức, phóng viên và cảnh sát dày đặc hành lang, đám đông tụ tập ngoài sân và tràn ra mặt đường mang theo bánh mì, bi đông nước, nhiều người mang cả chiếu. Phiên tòa kéo dài sáu tháng không kết quả và chắc chắn sẽ chẳng bao giờ kết thúc, nếu bị cáo không bất ngờ biến mất khỏi nơi giam giữ nghiêm ngặt. Những người đại diện cho công lý đã thầm cám ơn giải pháp may mắn ấy và không quá nhiệt tình truy tìm kẻ mất tích”. Đây là phiên tòa bí ẩn, phi lí mà chúng ta đã từng gặp trong Vụ án của Kafka. Đồng thời với phiên tòa phi lí là việc giải mã các giấc mơ của “người đoán mộng giỏi nhất thế gian” có thể nói Phạm Thị Hoài đã ảnh hưởng từ phân tâm học của Freud.
Để lột trần xã hội phi lí, vô nghĩa, Phạm Thị Hoài hướng ngòi bút sắc sảo và đanh thép của mình vào từng cá thể, cá nhân đang hiện tồn trong xã hội Việt Nam buổi giao thời. Đó là những con người suốt đời chỉ biết lặp đi lặp lại một hành động như những cái máy đã được cài đặt sẵn: “Họ biết làm gì hơn nữa ngoài liên hoan, cơ hội ôn tập và thao diễn chính họ, trước khi trượt dài vào một thời khóa biểu công chức, dằng dặc những chu kì ngày lại giống ngày, không một biến cố đánh dấu hành trình của thời gian?” (Thiên sứ). Đoạn văn này gợi nhắc chúng ta nhớ đến nhân vật Sisyphe trong Huyền thoại Sisyphe (Camus): “Ngủ dậy, lên xe điện, bốn giờ ngồi bàn giấy hoặc ở công xưởng, nghỉ ăn cơm, bốn giờ lao động, nghỉ ăn cơm, đi ngủ và thứ hai thứ ba thứ tư thứ năm thứ sáu rồi thứ bảy đều lặp lại cùng một nhịp độ, lối sống đó tiếp diễn dễ dãi gần như đều đặn”. Chính cái thời khóa biểu không bao giờ thay đổi ấy là nguyên nhân làm sản sinh ra những con người giống nhau một cách đáng sợ từ “cách ngậm cái tăm, xỏ đôi dép, đến những ước mơ quẩn quanh tội nghiệp” (Tổ khúc bốn mùa) đến cả sở thích ăn uống cũng không khác nhau, đám xe thồ ở Bưởi “mỗi lần vào quán họ gọi toàn cơm rau ăn với cá khô mang sẵn và liên tục xin thêm nước chấm thật nhiều chanh ớt rồi còn chê ít mì chính” (Thực đơn chủ nhật). Đó là hệ quả dẫn đến hiện tượng: “Người Việt chúng ta không thích sự độc đáo. Người Việt chúng ta thích giống nhau. Xe đạp thì màu xanh lơ, xe máy thì cùng Giấc Mơ Tím; nhà một thời cùng vuông vức mái bằng như trại lính, bây giờ cũng trổ tháp Alibaba; giường cùng gỗ Đức kiểu lát, ấm chén cùng Trung Quốc hoa leo, thết người sống cùng sáu đĩa bốn bát, đãi người chết cùng vòng hoa ni lông cho được bền; đàn bà cùng slip Bông Hồng Thái Lan, đàn ông cùng ba con năm, ba con ba, và trẻ em cùng Đô Rê Môn. Người đã vậy, thần linh trong đền chùa miếu mạo và trên điện thờ ở nhà chúng ta cũng hình thù giống nhau, đứng ngồi giống nhau, tiêu cùng một loại tiền và lắng nghe cùng một bài cầu xin in sẵn của chúng sinh đệ tử” (Marie Sến). Tất cả sự giống nhau đó, ở Việt Nam gọi là tính tập thể, tính cộng đồng, nhưng phương Tây gọi là lối sống bầy đàn. Thế nên, trong văn học hiện đại phương Tây đã từng xuất hiện một nhân vật lần đầu tiên trong lịch sử dám khước từ lối sống bầy đàn, để rồi trở thành kẻ xa lạ ngay chính thời đại anh được sinh ra, nhưng đồng thời cũng chính anh ta đã hé mở cho văn học thế giới một cái nhìn mới, một hướng đi mới về vấn đề thân phận con người, đó là nhân vật Meursault trong Kẻ xa lạ của Camus. Tiếp thu cái phi lí của Camus, Phạm Thị Hoài cũng xây dựng trong truyện của mình những con người tự nguyện tách mình ra khỏi tập thể, khước từ lối sống bầy đàn vốn đã có từ ngàn xưa. Đó là mẹ con cô Liễu “sống kín đáo, ngầm kiêu hãnh vì khác biệt cư dân trong xóm” (Tổ khúc bốn mùa). Là cô bé Hoài kiên quyết “từ chối không đứng vào bất kì thế hệ nào. Tôi từ chối bất kì bộ đồng phục quá chật hoặc quá rộng nào” (Thiên sứ). Chứng kiến đám tang của bé Hon, “người ta kháo nhau, ở đám tang hôm ấy có một đứa trẻ chừng mười bốn mười lăm tuổi, không khóc, không cười, không hoa, không chứng chỉ, một mình đến viếng rồi lặng lẽ bỏ đi” (Thiên sứ). Người không chứng chỉ có nghĩa không phải thành viên của cộng đồng, là đứng ngoài cộng đồng, theo một nghĩa nào đó chính là kẻ xa lạ trong xã hội. Nó giống loại nhân vật không có tung tích, vô danh trong văn học phi lí.
3. KẾT LUẬN
Có thể nói, phô bày một hiện thực phi lí trong gia đình và ngoài xã hội, Phạm Thị Hoài muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự phi lí của cuộc sống khi cơ cở tồn tại của nó là con người cá nhân, cá tính bị đánh đồng. Khi ấy, xã hội loài người chỉ còn là tập hợp của những bản sao, có chung một khuôn mặt, chung nhau một nếp tư duy. Cá nhân trở nên đớn hèn và nỗ lực khẳng định cá tính trở thành một điều xa xỉ khi cá nhân không còn đủ tự tin để trả lời câu hỏi mình là ai, để khẳng định mình có còn là mình nữa không trước vòng xoáy của cuộc đời.
Phản ánh hiện thực về một xã hội phi lí, Phạm Thị Hoài đã ít nhiều làm thay đổi cái nhìn quen thuộc, phiến diện, một chiều về hiện thực của văn học trước 1975. Hiện thực trong tác phẩm của chị trần trụi, không “tô hồng” cũng chẳng “bôi đen”, và có thể đôi chỗ còn cực đoan, nhưng chính chỗ cực đoan ấy lại là chỗ tối, là phần khuất lấp trong mỗi con người chúng ta mà Phạm Thị Hoài đã dám phản ánh, góp phần hoàn thiện bức tranh hiện thực vốn đã khuyết bấy lâu nay của văn học nước nhà.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Bình, Những đổi mới của văn xuôi nghệ thuật Việt Nam sau 1975, Luận án PTS Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.
2. Nguyễn Thị Bình, Một vài nhận xét về quan niệm hiện thực trong văn xuôi nước ta từ sau 1975, Tạp chí Văn học, (4), tr. 45 - 49.
3. Nguyễn Văn Dân, Dấu ấn phương Tây trong văn học Việt Nam hiện đại - Vài nhận xét tổng quan, Tạp chí Văn học, (3), tr. 77 - 84.
4. Nguyễn Văn Dân, Văn học phi lý, NXB Văn hóa thông tin, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông – Tây, 2002.
5. Đặng Anh Đào, Việt Nam và phương Tây tiếp nhận và giao thoa trong văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007.
6. Freud, Phân tâm học nhập môn, NXB Quốc gia Hà Nội, 2002.
7. Phạm Thị Hoài, Mê lộ, NXB Tổng hợp Phú Khánh, 1989.
8. Phạm Thị Hoài, Thiên sứ, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 1995.
9. Phạm Thị Hoài, Man nương, NXB Hà Nội, 1995.
10. Phạm Thị Hoài, Marie Sến, NXB Thanh Văn, California, 1996.
Email: Thuspxh@gmail.com.vn
ĐT: 0914570808; 0935347408
(Bài đã đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ số 5 (tháng 10/2014) của Trường Đại học Phạm Văn Đồng).