|
|
Tin mới nhất |
|
|
|
|
Chương trình đào tạo bậc cao đẳng,ngành Giáo dục Mầm non (năm 2024) | | CTĐT bậc ĐH, ngành Sư phạm Ngữ văn (cập nhật năm 2024) | | Chuẩn đầu ra CTĐT (cập nhật năm 2024) | | TKB học kì II, năm học 2024 - 2025 (từ ngày 09.12.2024) | | Danh sách sinh viên các học phần, học kì I, năm học 2024 - 2025 | | TKB học kì I, năm học 2024 - 2025 (từ ngày 09.9.2024) | | TKB học kì I, năm học 2024 - 2025 (từ ngày 05.8.2024) | | TKB học kì I, năm học 2023 - 2024 (từ ngày 15.7.2024) | | Danh sách SV các học phần (học kì II, năm học 2023-2024) | | TKB học kì II, năm học 2023 - 2024 (từ ngày 19.02.2024) | |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
 |
HỘI THẢO KHOA HỌC |
|
|
|
|
|
|
PHÁT HUY TÍNH TỰ CHỦ CỦA SINH VIÊN TRONG ĐÀO TẠO THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ
20:58 11/04/2016
[1480]  |
|
|
ThS. Bùi Văn Thanh (Khoa SPXH)
(Bài viết tham dự Hội thảo KH về đào tạo tín chỉ tại Trường ĐH Phạm Văn Đồng năm 2013) |
Hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ đã được áp dụng trên thế giới từ trước đây hai thế kỷ. Ở Việt Nam, từ niên khoá 1993-1994, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường đại học cải tiến học chế học phần để có học chế học phần triệt để hơn, hoặc nói cách khác là áp dụng học chế tín chỉ cho quy trình đào tạo đại học nước ta. Nơi đầu tiên thực hiện quá trình chuyển đổi này là trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là một số trường đại học khác trong cả nước. Đối với Trường Đại học Phạm Văn Đồng, việc chuyển đổi hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ bắt đầu được áp dụng từ niên khóa 2012-2013. Thực tế quá trình dạy học và kết quả học tập của sinh viên cho thấy sinh viên trường ta chưa thích ứng với hình thức đào tạo này, từ đó chưa phát huy được ưu điểm của nó. Vì vậy việc đổi mới phương pháp dạy và học, trong đó chú trọng đến việc phát huy tính tự chủ của sinh viên trong học tập là rất cần thiết. Việc này đòi hỏi sự cố gắng của cả người dạy và người học.
Về phía người học, qua thực tế giảng dạy, chúng tôi nhận thấy đa số sinh viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng hiện nay còn thụ động trong học tập, đặc biệt đối với sinh viên thuộc các ngành khoa học xã hội, với những biểu hiện như:
-Không tìm tòi thông tin mở rộng kiến thức chuyên môn của mình thông qua việc tự học, đặc biệt là việc nghiên cứ giáo trình, sách tham khảo.
-Chưa phát huy hết tiềm năng của các phương tiện học tập.
-Chưa vận dụng các phương pháp sáng tạo trong học tập.
Theo quy chế đào tạo thì trong học phần - niên chế, để tiếp thu được 1 đơn vị học trình hay 15 tiết chuẩn thì sinh viên cần phải chuẩn bị 15 tiết còn trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì sinh viên phải dành 30 tiết cho việc này. Về mặt cơ học mà nói, việc giảm 40% thời lượng trên lớp được bù bằng cách tăng 100% thời lượng học ở nhà của sinh viên. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cũng được xây dựng theo hướng tăng cường giờ thảo luận, thực hành, nhằm phát huy khả năng tự tìm tòi khám phá kiến thức của sinh viên. Tuy nhiên thực tế cho thấy sinh viên dành rất ít thời gian cho việc tự học ở nhà cũng như chuẩn bị cho các nội dung thực hành, thảo luận.
Bên cạnh đó, người dạy cũng chưa thực sự chú trọng đến việc phát huy tính tự chủ của sinh viên. Đa số giảng viên chưa dành thời gian thích đáng để chuẩn bị cho bài giảng của mình. Việc dạy học chủ yếu vẫn còn theo kiểu thông tin một chiều, thiếu sự tương tác. Việc giao nhiệm vụ cho sinh viên cũng chưa được chú trọng và giảng viên cũng chưa có các biện pháp kiểm tra, đánh giá mức độ tự học của sinh viên.
Trên cơ sở thực trạng trên, với mục tiêu đổi mới hình thức dạy học cho phù hơp với học chế tín chỉ, chúng tôi đề xuất một số biện pháp nhằm phát huy tính tự chủ của sinh viên trong học tập như sau:
1. Nâng cao chất lượng các kênh trao đổi thông tin giữa nhà trường với sinh viên để từ đó nâng cao nhận thức về chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ
Nhà trường cần tạo điều kiện cho sinh viên có những hiểu biết cơ bản đối với chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ đang triển khai thông qua những buổi gặp gỡ trao đổi, các buổi tọa đàm…Hiện nay việc phổ biến Quy chế đào tạo theo học chế tín chỉ được đưa vào tuần sinh hoạt công dân đầu khóa cho sinh viên, nhưng do sinh viên mới nhập học, chưa tiếp cận với việc học tập nên chưa nắm bắt được nhiều. Vì vậy nhà trường cần thường xuyên tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội được giải đáp những thắc mắc, bày tỏ những khó khăn cũng như mong muốn của mình khi học chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ để sinh viên chủ động và tự tin khi học theo chương trình mới này.
2. Hướng dẫn sinh viên lập kế hoạch học tập
Giảng viên cần tăng cường giúp đỡ sinh viên nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lập kế hoạch học tập, từng bước hình thành thói quen lập kế hoạch học tập cho sinh viên. Cụ thể là giúp sinh viên biết cách sắp xếp thời gian học tập ở nhà một cách hợp lí cho việc đọc sách, tìm tài liệu, nghiên cứu tài liệu... Bên cạnh đó, giảng viên phải thường xuyên kiểm tra sinh viên trong việc chuẩn bị bài thuyết trình, thảo luận nhóm, bài tập lớn…
3. Bồi dưỡng phương pháp tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên
Đây là vấn đề có ý nghĩa mấu chốt trong chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ, khi thời gian học tập trên lớp giảm đi, thời gian dành cho các hoạt động độc lập của sinh viên tăng lên. Nếu sinh viên không tự học, tự nghiên cứu thì không thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ. Để việc tự học, tự nghiên cứu đạt kết quả cao, bản thân sinh viên cần được cung cấp hệ thống học liệu và bồi dưỡng phương pháp tự học, tự nghiên cứu.
Bên cạnh đó, giảng viên cần hướng dẫn cách đọc sách cho sinh viên, đặc biệt là đối với sinh viên chuyên ngành khoa học xã hội. Việc đọc giáo trình, tác phẩm văn học, tài liệu tham khảo cần đi đôi với việc xác định mục đích và yêu cầu trước khi đọc, đọc sách phải kết hợp với tóm tắt, ghi chép những điều cần thu thập, khi đọc cần phải hiểu và nhớ những điều cốt yếu, đồng thời phải đưa ra những nhận xét, đánh giá của bản thân.
4. Nâng cao kĩ năng thuyết trình cho sinh viên
Giảng viên phải thường xuyên giao nhiệm vụ cho sinh viên bằng cách yêu cầu sinh viên chuẩn bị bài thuyết trình đồng thời cần tạo điều kiện cho tất cả các sinh viên trong lớp có cơ hội thuyết trình trước tập thể. Đồng thời, giảng viên cần hướng dẫn sinh viên chuẩn bị nội dung và cách trình bày phù hợp với nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, giảng viên cần phải có sự khuyến khích, động viên sinh viên khi họ tham gia thuyết trình thông qua cách đánh giá, cho điểm. Ngoài việc trình bày, cần tạo điều kiện cho các nhóm được nêu các thắc mắc của mình, cùng trao đổi, tranh luận để tìm ra vấn đề.
5. Tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của người học
Điểm cơ bản và quan trọng trong hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ là người thầy phải áp dụng các hình thức dạy học mới để phát huy tối đa khả năng tự học và tư duy độc lập của sinh viên. Các cách dạy học theo lối truyền thống truyền đạt - lĩnh hội cần được thay đổi bằng những cách làm mới cùng với sự hỗ trợ của phương tiện dạy học hiện đại.
Trong chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ, thời gian lên lớp của giảng viên giảm, thời gian dành cho các họat động độc lập (như thí nghiệm, thực hành, xemine, học nhóm, tự học, tự nghiên cứu…) của sinh viên tăng lên. Vì thế, giáo viên không thể trình bày hết những vấn đề của bài học trên lớp mà phải tổ chức hoạt động nhận thức của sinh viên theo hướng gợi mở, phát hiện và giải quyết vấn đề. Với cách dạy này, đòi hỏi giảng viên phải sử dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học mới như: giải quyết vấn đề, phương pháp dạy học dự án, phương pháp dạy học hợp tác, phương pháp dạy học cùng tham gia…
6. Đổi mới công tác quản lí hoạt động dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, tự chủ, tự giác, tự rèn luyện của sinh viên
Công tác quản lí dạy học bao gồm nhiều nội dung khác nhau, chung quy lại là quản lí việc học tập và rèn luyện của sinh viên. Nhà trường và giảng viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm cần có biện pháp quản lí chặt chẽ thời gian lên lớp, thời gian tự học của sinh viên. Thường xuyên giáo dục cho sinh viên nhận thức đúng và đầy đủ về yêu cầu, nhiệm vụ học tập của mình. Đảm bảo sự công bằng, khách quan trong đánh giá quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên, đa dạng các hình thức kiểm tra, đánh giá, thông qua đó kích thích tinh thần tự học, tự nghiên cứu của sinh viên.
Như vậy việc áp dụng học chế tín chỉ ở các trường đại học là để đáp ứng nhu cầu chủ động của sinh viên trong học tập, và cũng đòi hỏi tính chủ động rất cao của sinh viên và giảng viên trong trong việc đổi mới toàn diện phương pháp dạy học. Bên cạnh đó cần có sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo và các đơn vị chức năng trong nhà trường. Có như vậy việc chuyển đổi hình thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ mới đạt được hiệu quả như mong muốn.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|